Các tác giả, nhóm tác giả nhận giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16
Hàng nghìn sáng kiến được ứng dụng vào sản xuất
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vifotec, Trưởng ban tổ chức hội thi Phan Xuân Dũng cho biết: Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1989 với mục đích nhằm đẩy mạnh, lan tỏa phong trào lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân, tạo ra bước phát triển mới về khoa học công nghệ và góp phần phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Tính đến nay, hội thi đã được tổ chức 16 lần (2 năm/1 lần), có khoảng 7.000 giải pháp dự thi và gần 1.000 giải pháp được trao giải. Các giải pháp đoạt giải đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vifotec, Trưởng ban tổ chức hội thi Phan Xuân Dũng phát biểu
tại Lễ trao giảiHội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16.
Hội thi đạt được kết quả như trên là bởi nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước và sự tham gia tích cực của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố. Đặc biệt ngày 14-7-2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/2006/QĐ-TTg về tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật trong cả nước. Hội thi được tổ chức ở 2 cấp: Cấp toàn quốc và cấp bộ, ngành, địa phương. Đến nay, hội thi đã có 53 tỉnh, thành phố trong cả nước, Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia dự thi.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương ngày càng quan tâm đến hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, đến hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ cũng như các phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; đã quan tâm, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện về nhân lực về kinh phí cho các hoạt động này ngày càng phát triển rộng rãi. Công tác tổ chức hội thi ngày càng có nền nếp, uy tín, được đông đảo các nhà khoa học, quần chúng nhân dân tham gia và được xã hội đánh giá cao. Hội thi trở thành sân chơi công bằng, minh bạch, động viên và tôn vinh kịp thời đối với các nhà khoa học, công nghệ và các nhà sáng tạo trong cả nước.
Mặt khác, số lượng và chất lượng các giải pháp dự thi hội thi toàn quốc tăng lên đáng kể, đối tượng dự thi cũng ngày càng phong phú hơn, từ các nhà khoa học trong các trường đại học, viện nghiên cứu đến các kỹ sư, các nhà kỹ thuật, công nghệ ở các nhà máy cũng như những người nông dân, công nhân cũng có nhiều giải pháp dự thi và đoạt được giải cao.
Nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh đoạt giải
Các giải pháp, sáng kiến tham dự cuộc thi trong những năm qua thuộc nhiều lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường; Y, dược, giáo dục và đào tạo; quốc phòng, an ninh. Trong đó, lĩnh vực quốc phòng, an ninh có nhiều sáng kiến dự thi và đoạt giải, các sáng kiến này cũng đã và đang được ứng dụng hiệu quả phục vụ bảo vệ Tổ quốc, như: "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị sấn tự động liều phóng đạn M79” của Nhà máy Z129 (Tổng cục Quốc phòng); "Thiết kế chế tạo hệ thống thu dây cáp đồng phục vụ sản xuất cáp thông tin cho Quốc phòng" của Xí nghiệp Cơ khí 59, Nhà máy Z127 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng); "Nghiên cứu vật liệu cao su bám dính trực tiếp với sợi cáp thép phục vụ chế tạo các loại băng tải cao su cốt sợi cáp thép chịu mài mòn, chống cháy và chịu nhiệt" của Nhà máy Z175 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng); “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị chế áp phương tiện bay không người lái Flycam” của Học viện Kỹ thuật Quân sự…
Nhóm tác giả của giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị chế áp phương tiện bay không người lái Flycam” nhận giải thưởng
WIPO của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.
Điển hình là “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị chế áp phương tiện bay không người lái Flycam” do nhóm các nhà khoa học của Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) nghiên cứu. Nhóm đã nghiên cứu Thiết bị chế áp Flycam CA-18GL từ năm 2013 và hoàn thành vào năm 2018, có tính năng chặn flycam không cho bay vào khu vực cần bảo vệ; ép hạ cánh, thu giữ flycam; bắt flycam bay về vị trí xuất phát để bắt đối tượng điều khiển; chế áp đồng thời nhiều flycam trên một hướng; tạo vùng cấm bay nhân tạo xung quanh mục tiêu bảo vệ bằng cách giả lập tọa độ GPS. Thiết bị hiện được trang bị cho bộ CHQS các tỉnh, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an TP Hà Nội và được đánh giá đạt hiệu quả cao. Đề tài này của nhóm đã đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16. Đặc biệt, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cũng đã tặng giải thưởng WIPO cho giải pháp này.
PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng, Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng), tác giả của đề tài trên chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được giải thưởng của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc. Đây là một trong những giải thưởng về khoa học công nghệ uy tín hàng đầu của Việt Nam. Giải thưởng này là nguồn động lực để những nhà khoa học quân sự nói riêng và nhà khoa học nói chung tiếp tục cống hiến, mày mò, nghiên cứu ra nhiều sản phẩm, thiết bị phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Phó chủ tịch Thường trực Quỹ Vifotec nhấn mạnh: Để phát huy kết quả đã đạt được của cuộc thi trong hơn 30 năm qua, Quỹ Vifotec sẽ tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa cùng với các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước đưa phong trào sáng tạo khoa học công nghệ đi vào chiều sâu, thực chất và có hiệu quả. Đây cũng chính là nội dung quan trọng trong đường lối phát triển đất nước của Đảng ta nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lê Duy
(Nguồn: https://vusta.vn/)
Online: 8
Ngày: 555Tháng: 4021
Tổng: 690350