Ngày 12/4, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Khoa học Phát triển nhân lực nhân tài tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, tham dự có ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Mục tiêu hội thảo đặt ra là, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh từ các ngành kinh tế xã hội, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Qua đó, bằng lý luận và thực tiễn giúp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của tỉnh có dịp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về đội ngũ trí thức, về khoa học công nghệ, về giáo dục đào tạo, về xây dựng nguồn nhân lực qua các Nghị quyết, qua các chủ trương, chính sách đã ban hành.
Quang cảnh hội thảo
Nguồn nhân lực khoa học công nghệ là lực lượng trí thức tham gia vào các hoạt động khoa học, công nghệ, là nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có năng lực nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao và đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ, giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội phù hợp với xu hướng phát triển.
Trong đề dẫn, ông Phan Văn Phấn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Đồng đã nhấn mạnh: Hội thảo tập trung vào chủ thể chính là con người, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh, từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Phan Văn Phấn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh phát biểu tại hội thảo
Những năm qua, nguồn nhân lực khoa học công nghệ phát triển mạnh tăng về số lượng và chất lượng với nhiều ngành khoa học, nhiều lĩnh vực khác nhau. Đội ngũ những người làm khoa học công nghệ đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo chương trình, dự án, đề án về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp cấp ủy, chính quyền đề ra những chủ trương giải pháp mang tính khoa học cao, thực thi có hiệu quả.
Toàn tỉnh hiện có 1.482 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoạt động trong các lĩnh vực: Y dược (35 người – 100% là thạc sĩ), nông nghiệp (171 người – 31 tiến sĩ, 140 thạc sĩ), môi trường (148 người – 19 tiến sĩ, 129 thạc sĩ), quản lý – xã hội nhân văn (298 người – 10 tiến sĩ, 288 thạc sĩ), các lĩnh vực khác (830 người – 33 tiến sĩ, 652 thạc sĩ).
Ông Đỗ Minh Ngọc - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng nêu thực trạng nguồn nhân lực khoa học công nghệ
Chính sách đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ của tỉnh khá toàn diện, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường công tác liên kết, đặt hàng với các tổ chức cá nhân, trí thức có trình độ chuyên môn phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực khoa học công nghệ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế. Còn thiếu nguồn nhân lực khoa học công nghệ nghiên cứu sâu các vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội, nhân văn; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 và triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số…
Phát biểu tại hội thảo TS. Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Trong đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường chuyên nghiệp của tỉnh đảm bảo phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực từng ngành, từng lĩnh vực. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo nền tảng cho phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Định hướng các ngành nghề cần đào tạo chuyên sâu cho các cơ sở đào tạo, chú trọng những ngành nghề để phát triển công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch…
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo
Khảo sát, dự báo, quy hoạch nguồn nhân lực khoa học công nghệ; rà soát, đánh giá, xác định nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu và trình độ nguồn nhân lực trong các ngành, các lĩnh vực. Tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước; kết nối giữa doanh nghiệp và ngành đào tạo để tạo ra các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế.
Điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách mới nhằm khuyến khích phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường làm việc thuận lợi để thu hút, phát huy, giữ chân những cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tại các trường đạo tạo trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Cảnh Chương – Phó Trưởng phòng QLKH-HTQT, Trường Đại học Đà Lạt với tham luận về vai trò của trường đại học trong đào tạo và nghiên cứu khoa học
Bên cạnh việc phát huy khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao hiện có, cần quan tâm đào tạo chuyên gia trình độ cao ở các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: Du lịch, nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… Từ đó, triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển thị trường khoa học công nghệ để khai thác tư duy sáng tạo của các nhà khoa học có năng lực tốt, có tinh thần cống hiến vì khoa học và trách nhiệm với cộng đồng.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học lão thành
Bên cạnh các tham luận, nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, thiết thực của các đại biểu, nhà khoa học lớn tuổi cũng là định hướng cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
XUÂN HUYỀN
Online: 2
Ngày: 598Tháng: 7019
Tổng: 746334