LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
TỈNH LÂM ĐỒNG
Số 2A Trần Hưng Đạo - Phường 3 - Thành phố Đà Lạt - Điện thoai: 0263.3533247 - Email: lienhiephoilamdong@gmail.com

Công trình “Nghiên cứu và phát triển giống bơ LĐ 034 phục vụ chương trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng ở tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên”

Danh mục: Giải thưởng KH&CN Ngày đăng: 06 tháng 5 năm 2022

CÔNG TRÌNH

“NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN GIỐNG BƠ LĐ 034 PHỤC VỤ CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU GIỐNG CÂY TRỒNG Ở TỈNH LÂM ĐỒNG VÀ CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN”

 

Tác giả:

Ông Phạm S

Ông Hồ Tấn Mỹ

Ông Phạm  Xuân Trinh

Cơ quan chủ trì:

Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng (Nay là Trung tâm Giống và Vật tư nông nghiệp Lâm Đồng).

Thuộc lĩnh vực:

Nghiên cứu phát triển công nghệ.

Thời gian thực hiện:

từ tháng 5./2003 đến tháng 12/2020.

Công trình đạt giải B Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng lần thứ hai năm 2021.

Tóm tắt công trình

Lâm Đồng là vùng đất thích hợp cho cây bơ sinh trưởng phát triển. Phân bố vùng trồng bơ ở Lâm Đồng khá rộng, phổ biến ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà và rải rác ở một số phường, xã thuộc thành phố Đà Lạt. Vào những năm 2000 trở về trước, cây bơ được trồng chủ yếu làm cây bóng mát, cây hàng ranh quanh và trồng ở những khoảng đất trống trong vườn. Mục đích chính chỉ là lấy trái ăn trong gia đình, làm quà mang tính chất tự cung tự cấp. Như vậy lịch sử từ trước đến khi ý tưởng nghiên cứu cây bơ ở Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng chưa bao giờ cây bơ được trồng quy mô hàng hóa, chưa có một giống bơ chủ lực để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế nhằm khai thác tiềm năng khí hậu, đất đai của tỉnh Lâm Đồng và Tây Nguyên; đồng thời nếu cây bơ muốn phát triển hàng hóa mà nhân giống hữu tính thì không thể đáp ứng yêu cầu phát triển vì đặc tính cây bơ là cây thụ phấn chéo. Trên cơ sở đó nhóm tác giả có ý tưởng bình tuyển và nhân giống bơ vô tính nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa là ý tưởng có tính mới và đầy sáng tạo có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

                                                   Hình dạng quả bơ LĐ 034 dễ nhận dạng và thịt vàng đặc trưng

Sau khi kết quả nghiên cứu được công bố, quy trình nhân giống bơ được nghiên cứu và nhân rộng, nhu cầu tiêu dùng trái bơ LĐ 034ở thị trường trong nước phát triển mạnh, đặc biệt giống bơ LĐ 034 có hình dáng đặc trưng, dễ nhận dạng và là loại bơ sáp có chất lượng ngon nhất được người tiêu dùng ưa chuộng và thị trường tiêu thụ luôn được mở rộng. Cây bơ LĐ 034 thực sự trở thành loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân quan tâm khôi phục phát triển, các cơ quan khoa học trên cơ sở thành công bước đầu tiếp tục nghiên cứu chọn tạo các giống bơ có chất lượng ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ngành Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng; ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các cơ quan chuyên môn bước đầu đã có sự quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu phát triển sản xuất trái bơ. So với các loại cây ăn quả khác, cây bơ có tiềm năng lớn về giá trị tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Từ ý tưởng khoa học về bình tuyển và nhân giống bơ vô tính, một số hộ dân mạnh dạn tiên phong phối hợp với Trung tâm sử dụng những giống bơ ngon được chọn lọc tại địa phương, phát triển quy mô lớn, kết hợp với kỹ thuật chăm sóc cây bơ được phát huy lợi thế và nhà vườn thu được hiệu quả cao. Điều quan trọng là thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân là muốn phát triển cây bơ hàng hóa thì phải trồng cây bơ ghép được các cơ quan chuyên môn chọn lọc. Trên cơ sở thực tiễn sản xuất giống bơ LĐ 034 có nhiều triển vọng trong thực tế. Năm 2010 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã công nhận cây đầu dòng LĐ 034 làm cơ sở để nhân rộng sản xuất góp phần phát triển giống bơ LĐ 034 ở tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.

Những nội dung chủ yếu của công trình:

1. Tổ chức Hội thi bình tuyển các cây bơ có năng suất cao, chất lượng tốt

Kết quả: Giống bơ LĐ 034 đạt giải nhì (không có giải nhất) của gia đình ông Nguyễn Văn Dậu, khu phố 1, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

2. Điều tra, khảo sát các vườn trồng bơ tại Lâm đồng

Nội dung điều tra: kỹ thuật canh tác, đặc điểm đất trồng, thời vụ trồng, nguồn nước tưới, thời điểm ra hoa và thu hoạch, sâu bệnh hại, nơi tiêu thụ…

3. Bố trí các thí nghiệm về giống bơ LĐ 034

+ Thí nghiệm 1: Ảnh hưởng của gốc ghép và cành ghép đến tỷ lệ sống và sự tăng trưởng.

+ Thí nghiệm 2: So sánh tỷ lệ thành công ở các thời vụ ghép của kiểu ghép nêm

+ Thí nghiệm 3: Ảnh hưởng của độ già cành và loại cành đến tỷ lệ sống và sự tăng trưởng của kiểu ghép nêm.

4. Đánh giá đề tài triển khai trên diện rộng

Kết quả: Cây bơ LĐ 034 phát triển tốt trên các mô hình trình diễn, phù hợp với điều kiện sinh thái, khí hậu của Lâm Đồng.

5. Xây dựng quy trình để chuyển giao

- Quy trình kỹ thuật canh tác cây bơ ghép.

- Quy trình Ghép cải tạo và chăm sóc vườn bơ sau ghép.

- Kỹ thuật trồng chăm sóc cây bơ ghép LĐ 034.

- Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ theo tiêu chuẩn an toàn VIETGAP.

- Quy trình trồng, chăm sóc vườn nhân chồi các giống bơ đầu dòng và khai thác chồi ghép.

    

            Các chi hội nông dân tham gia Hội thảo đầu bờ tại mô hình sản xuất bơ LĐ 034

Giá trị khoa học

- Lần đầu tiên ở Lâm Đồng và Việt Nam có ý tưởng bình tuyển và nhân giống bơ vô tính mang tính đột phá có tầm quốc gia. Tạo ra công nghệ mới trong sản xuất cây giống bơ bằng phương pháp nhân giống vô tính, bảo tồn được nguồn gen quý, tạo ra sản phẩm có giá trị cao để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Là cơ sở khoa học để công nhận cây bơ đầu dòng.

- Hoàn thiện quy trình cưa ghép, cải tạo cho các vườn bơ kém năng suất và phẩm chất, mang lại hiệu quả cao cho các vườn bơ già cỗi, lâu năm, không đáp ứng của thị trường người tiêu dùng bằng giống bơ LĐ 034. Quy trình công nghệ chuyển giao cho người nông dân dễ tiếp thu, dễ áp dụng và hiệu quả.

Giá trị thực tiễn

- Do giống có năng suất cao, chất lượng tốt, nên giống bơ LĐ 034 được thị trường ưa chuộng và mở rộng diện tích rất nhanh, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều hộ dân và doanh nghiệp. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, góp phần xóa đói giảm nghèo nhất là các vùng nông thôn của khu vực Tây Nguyên.

- Năm 2019, Sản phẩm bơ 034 được UBND tỉnh Lâm Đồng chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.

- Giống bơ LĐ 034 được tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận Top Sản vật Việt Nam vào năm 2020.

 

Tin liên quan