CÔNG TRÌNH
“TẠO LẬP, QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN NÔNG SẢN THẾ MẠNH ĐẶC TRƯNG CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT”
Tác giả: |
UBND thành phố Đà Lạt |
Cơ quan chủ trì: |
UBND thành phố Đà Lạt |
Thuộc lĩnh vực: |
Khoa học nông, lâm, ngư nghiệp |
Thời gian thực hiện: |
từ năm 2008 đến năm 2019 |
Công trình đạt giải B Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng lần thứ hai năm 2021. |
Thành phố Đà Lạt là địa phương có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hóa với các loại nông sản ưu thế so với các vùng khác như: rau, hoa, chè, cà phê có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới. Giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy theo giá hiện hành đạt 4.346,5 tỷ đồng (trong đó, giá trị tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 3.694 tỷ đồng). Hiện diện tích canh tác nông nghiệp của thành phố là 10.690ha, trong cơ cấu kinh tế của thành phố Đà Lạt; diện tích gieo trồng cây hàng năm 18.657 ha (trong đó, diện tích gieo trồng rau các loại 12.057 ha, sản lượng 450 ngàn tấn. Diện tích gieo trồng hoa đạt 5.870 ha, sản lượng đạt 2,7 tỷ cành). Diện tích chè 275,8 ha, diện tích cà phê đạt 5.150 ha, sản lượng đạt 16.170 tấn; ngành nông nghiệp chiếm 15,5% cơ cấu kinh tế (riêng cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp trong đó: Trồng trọt 87%, chăn nuôi 3%, dịch vụ 10%).
Tuy diện tích không lớn, nhưng thành phố đã thực hiện các giải pháp ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thương phẩm đối với những sản phẩm đặc thù có lợi thế cạnh tranh cao. Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố là 6.730 ha, chiếm 62,9% trên tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Diện tích rau, hoa và cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao là 6.730 ha (rau: 3.115 ha, dâu tây: 102 ha, atisô: 75 ha; diện tích hoa là 1.854 ha); diện tích trên cây chè 210 ha; diện tích cà phê 1.374 ha.
Với những tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; trong thời gian qua, để tiếp tục khẳng định giá trị thương hiệu nông sản của thành phố Đà Lạt nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng nói chung, thành phố giao Phòng Kinh tế tham mưu thực hiện công tác tạo lập, quản lý và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận của Đà Lạt như Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Cà phê Cầu Đất Đà Lạt, Hồng Đà Lạt, Dâu tây Đà Lạt,...
Thực hiện Quyết định số 2556/QĐ-UBND ngày 25/11/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Phê duyệt Kế hoạch phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng thế mạnh tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. UBND thành phố Đà Lạt xác định việc xây dựng, tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu nông sản theo sự chỉ đạo chung của tỉnh Lâm Đồng đóng vai trò quan trọng để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Trong đó, thành phố Đà Lạt cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của thành phố Đà Lạt đến năm 2020 trong đó có 5 nhóm cây trồng có thương hiệu độc quyền bao gồm: Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Cà phê Arabica Đà Lạt, Hồng ăn trái Đà Lạt và Dâu tây Đà Lạt, đến nay 5 nhóm cây trồng được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận bảo hộ độc quyền trên phạm vi cả nước gồm Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Cà phê Arabica Đà Lạt, Hồng Đà Lạt và Dâu tây Đà Lạt. Để quản lý thương hiệu nông sản nói chung và thương hiệu “ Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” nói riêng UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND thành phố Đà Lạt là đầu mối quản lý phát triển thương hiệu.
Theo đó, thành phố đã tập trung nguồn lực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Phát triển sản xuất có hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái phải dựa trên các căn cứ hợp lý, cân đối giữa mục tiêu đề ra, nâng cao tính khả thi, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tận dụng các lợi thế và điều kiện tự nhiên. Tiếp thu, vận dụng tốt các chủ trương, chính sách, các chương trình phát triển KT-XH của Trung ương, của tỉnh và thành phố. Quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải coi trọng lĩnh vực nông nghiệp, là nền tảng để phát triển bền vững về kinh tế, ổn định về chính trị, xã hội. Tiếp tục thực hiện đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng tập trung đầu tư thâm canh gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các biện pháp sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch; xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển các cơ sở chế biến công nghiệp, đặc biệt là đối với các sản phẩm rau, hoa, cà phê, chè, Hồng Đà Lạt và Dâu tây Đà Lạt... để ngày càng nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập. Ưu tiên phát triển nhanh một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao để tạo bước chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp…
Từ thực tế đòi hỏi nêu trên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nội tiêu và xuất khẩu đối với sản phẩm chủ lực mang nhãn hiệu chứng nhận tại Đà Lạt và một số vùng phụ cận huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương… công tác tạo lập nhãn hiệu chứng nhận đã được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố Đà Lạt nói riêng và Tỉnh lâm Đồng nói chung quan tâm thực hiện. Công tác thực hiện các quy trình thủ tục theo đúng yêu cầu đã hoàn tất và sản phẩm rau mang nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý Đà Lạt đã được cục sở hữu trí tuệ thẩm định, công nhận và cấp văn bằng chứng nhận bảo hộ trong phạm vị cả nước.
Hiện nay, thành phố Đà Lạt đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với 05 nhóm sản phẩm chủ lực như Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Cà phê Arabica Đà Lạt, Hồng ăn trái Đà Lạt và Dâu tây Đà Lạt. Việc cấp văn bằng chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm trên đã mở ra một cơ hội mới cho việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông sản mang địa danh và canh tác tại Đà Lạt đồng thời khẳng định danh tiếng và chất lượng sản phẩm. Việc tạo dựng và phát triển thương hiệu Đà Lạt đã góp phần nâng cao giá trị thương phẩm của sản phẩm, nâng cao uy tín của người sản xuất, tạo ra hiệu quả kinh tế và tác động đáng kể đến các doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Cụ thể đối với các sản phẩm Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Cà phê Arabica Đà Lạt, Hồng ăn trái Đà Lạt và Dâu tây Đà Lạt, sản lượng bình quân của các doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tăng khoảng 25 – 30% so với khi chưa sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, sản lượng sản phẩm bình quân của các doanh nghiệp đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận như: HTX Xuân Hương, HTX Anh Đào, Công ty ORGANIK, Công ty Nông sản Lâm Đồng, Công ty DALATGAP… thâm nhập vào các siêu thị, nhà hàng, khu công nghiệp đạt khoảng 100tấn/ngày, tăng 30% so với khi chưa sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, giá trị thương phẩm tăng 15% so với khi chưa sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, Hoa Đà Lạt hàng năm cung ứng cho thị trường khoảng 2,5 tỷ cành, Cà phê hàng năm cung ứng cho thị trường trên 11.000 tấn, Hồng ăn trái gần 10.000 tấn, Dâu tây trên 6.000 tấn…
Hàng năm thành phố Đà Lạt đã phối hợp với Sở Công thương Lâm Đồng, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Lâm Đồng và các sở, ngành liên quan tổ chức trung bình 3 – 4 chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tại các tỉnh, thành trong cả nước (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu…) và thâm nhập các thị trường quốc tế như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc…
Một số doanh nghiệp tham gia đã ký kết các bản hợp đồng ghi nhớ, từ đó ký kết được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các đối tác tại các địa phương khác (HTX Anh Đào, Công ty Trình Nhi, Công ty Đà Lạt GAP, Công ty Như Thảo Đà Lạt…).
Hỗ trợ các đơn vị đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tham gia trưng bày sản phẩm, quảng bá thương hiệu tại chương trình Phiên chợ Rau Hoa Đà Lạt – Thuộc chương trình lễ hội Festival Hoa Đà Lạt. Qua đó góp phần quảng bá thương hiệu của các đơn vị này nói riêng và thương hiệu nông sản Đà Lạt nói chung. Ngoài ra, để quảng bá và phát triển thương hiệu nông sản Đà Lạt, thành phố Đà Lạt còn hỗ trợ các đơn vị đã được cấp quyền sử dụng NHCN bao bì, tem nhãn có sử dụng logo NHCN. Tuyên truyền, quảng bá nhãn hiệu thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, thông tấn báo chí, các chuyên trang KHCN…
Việc tạo dựng và phát triển thương hiệu đối với sản phẩm nông sản Đà Lạt góp phần nâng cao giá trị thương phẩm của sản phẩm, nâng cao uy tín của người sản xuất, tạo ra hiệu quả kinh tế và tác động đáng kể đến các doanh nhiệp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, cụ thể như sau:
+ Sản lượng bình quân của các doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nông sản Đà Lạt tăng khoảng 25 – 30% so với khi chưa sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
+ Sản lượng sản phẩm bình quân của các doanh nghiệp đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận như: HTX Xuân Hương, HTX Anh Đào, HTX Tân Tiến, Công ty Đà Lạt GAP… thâm nhập vào các siêu thị, nhà hàng, khu công nghiệp tăng 30% so với khi chưa sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
+ Giá trị thương phẩm tăng 15% so với khi chưa sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
+ Ngoài ra, việc sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận nông sản Đà Lạt đã có nhiều tác động tích cực hơn đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm mang thương hiệu Đà Lạt hơn so với các sản phẩm nông sản từ các địa phương khác. Hiện nay, một số siêu thị đã yêu cầu các đơn vị cung ứng nông sản phải có giấy chứng nhận nông sản Đà Lạt đặc biệt là NHCN Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành, Hồng Đà Lạt, Dâu tây Đà Lạt trước khi đưa hàng vào siêu thị.
Thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sẽ góp phần quảng bá và nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nông sản đặc trưng của Đà Lạt trên phạm vi cả nước; góp phần nâng cao danh tiếng và uy tín của sản phẩm nông sản đặc trưng của Đà Lạt, sản phẩm đưa ra thị trường được đảm bảo ổn định về chất lượng, chính xác về nguồn gốc và được pháp luật bảo hộ.
Quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm nông sản đặc trưng của Đà Lạt và gia tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận.
Nâng cao ý thức của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng về sản phẩm nông sản đặc trưng của Đà Lạt; khuyến khích người sản xuất duy trì và phát triển diện tích canh tác, nâng cao năng suất và chất lượng nhằm góp phần thực hiện thành công chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào thực tế.
Việc thực hiện dự án thông qua giải pháp tuyên truyền, quảng bá với nhiều hình thức khác nhau sẽ giúp các cơ sở, doanh nghiệp được quảng bá và khai thác được giá trị nhãn hiệu chứng nhận làm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản đặc trưng trên địa bàn.
Online: 11
Ngày: 629Tháng: 7050
Tổng: 746365