LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
TỈNH LÂM ĐỒNG
Số 2A Trần Hưng Đạo - Phường 3 - Thành phố Đà Lạt - Điện thoai: 0263.3533247 - Email: lienhiephoilamdong@gmail.com

DU LỊCH LÂM ĐỒNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO THÍCH ỨNG ĐẠI DỊCH COVID 19

Danh mục: Tư vấn phản biện Ngày đăng: 15 tháng 12 năm 2022

DU LỊCH LÂM ĐỒNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO THÍCH ỨNG ĐẠI DỊCH COVID 19

 

TS. Phạm Hữu Doanh  - ThS. Đinh Quang Trung - ThS. Hồ Ngọc Châu

Giảng viên Trường Đại học Đà Lạt

 

Tóm tắt: Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, hoạt động du lịch Lâm Đồng phát triển thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan như thương mại, dịch vụ, vận chuyển, y tế, truyền thông, bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm… góp phần chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế tỉnh Lâm Đồng, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn, thúc đẩy giao lưu văn hóa và tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái. Thông qua du lịch, hình ảnh Lâm Đồng và các điểm đến được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, tạo sự nhìn nhận tích cực về hình ảnh quê hương và con người cao nguyên Lâm Viên. Đại dich Covid 19 đã gây ra cho kinh tế Lâm Đồng và nhất là ngành du lch những thiệt hại vô cùng nặng nề, theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng tháng 3/2020, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch thời gian qua giảm từ 50-80% doanh thu, 50-90% nhân lực. Để từng bước hồi phục, thích nghi, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, giải quyết việc làm cho lao động địa phương hậu Covid, thì xác định đầu tư phát triển nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng là vô cùng cần thiết.

Từ khóa: du lịch, du lịch Lâm Đồng, nguồn nhân lực, nguồn nhân lực du lịch Lâm Đồng.

1. Tiềm năng du lịch tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 9.765 km2, là tỉnh có ngành du lịch – dịch vụ phát triển với tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn phong phú. Với thủ phủ là thành phố Đà Lạt nằm trên độ cao 1.500m so với mặt nước biển, là thành phố được thiên nhiên ban tặng với khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ, nhiệt độ trung bình thường từ 180C đến 250C.

Lâm Đồng có 34 điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh, hơn 60 điểm tham quan miễn phí, phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí tạo nên sự đa dạng, phong phú đối với các tour, tuyến du lịch. Một số điểm du lịch tiêu biểu ở Lâm Đồng có thể kể đến như: Thác Cam Ly, Thác Đatanla, Thác Prenn, Thác Voi, Thác Pongour, Thác Đamb’ri, Hồ Xuân Hương, Hồ Tuyền Lâm, Hồ Than Thở, Hồ Đankia – Suối Vàng, Thung lũng Tình yêu, Núi Langbiang, Làng Du lịch Rừng Mađagui, Khu du lịch Sinh thái Núi Voi, Vườn hoa thành phố, Sân Golf Đà Lạt, Khu du lịch Trúc Lâm Viên, Khu du lịch làng Cù Lần, Sao Đà Lạt, Dinh Bảo Đại, Làng đất sét....

Vườn Quốc gia Cát Tiên là nơi có một trong 8 khu vực đất ngập nước Ramsar của Việt Nam (Bàu Sấu), là một trong 9 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận của Việt Nam. LangBiang đã được UNESCO công nhận là khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới. Vườn Quốc gia BiDoup – Núi Bà là một trong 30 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các vườn quốc gia Việt Nam, được đánh giá là một trong 221 khu xem chim của thế giới, được các nhà khoa học đánh giá là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.

Với tính đa dạng sinh học, thành phố ngàn hoa Đà Lạt trở thành “một thành phố trong rừng và rừng trong thành phố”. Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng miền núi được xem là sản phẩm du lịch đặc thù và có sức hấp dẫn đặc biệt, các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn liền với thiên nhiên: Tham quan hệ thống các hồ, thác, sông, suối... Tham gia các hoạt động du lịch dã ngoại, thể thao mạo hiểm: Leo núi, cắm trại, đua xe đạp địa hình, vượt thác, chơi golf; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch hội thảo, du lịch sinh thái rừng nguyên sinh... Nhiều sản phẩm du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái... là nơi lý tưởng để tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch nghỉ dưỡng.

Lâm Đồng là một vùng đất với trên 42 cộng đồng dân tộc sinh sống như: Kinh, K’ho, Mạ, Lạch, Nùng, Tày, Churu, Mnông... Lâm Đồng có sự đa dạng màu sắc của văn hóa, di sản văn hóa của các dân tộc bản địa như K’Ho, Mạ, Churu... được quan tâm, bảo tồn tôn tạo và phát triển nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Du khách đến Lâm Đồng được khám phá đời sống văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa, được trải nghiệm cuộc sống của những người dân nông thôn vùng cao, trải nghiệm đời sống của nông dân như: trồng hoa, trồng rau, tìm hiểu về hoạt động sản xuất, canh tác và tham gia cùng gia đình người dân các hoạt động nông nghiệp và hưởng thụ những thành quả từ bàn tay và khối óc của người nông dân.

Nhiều điểm đến với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Thung lũng Tình Yêu, Thác Đatanla, thác Đ’Bri, khu du lịch rừng Madagui…Về du lịch tâm linh cũng có sức thu hút lớn đối với khách du lịch. Điển hình như: Thiền viện Trúc Lâm, chùa Linh Ẩn, chùa Linh Phước... Cùng với đó, việc tổ chức các lễ hội định kỳ như: Festival Hoa, Lễ hội Trà; Ngày hội thác PonGour... cũng góp phần tăng cường sự hiện diện của Lâm Đồng trên bản đồ du lịch của cả nước

Với nhiều lợi thế thiên nhiên ban tặng và sức sáng tạo của con người cùng văn hóa bản địa đặc sắc Lâm Đồng đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Phương tiện giao thông đến Lâm Đồng rất thuận tiện, mỗi ngày du khách có thể đến với thành phố Đà Lạt bằng các chuyến bay của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific nối thủ phủ Đà Lạt với thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh và Huế.

Hạ tầng giao thông phát triển, làm tăng cường tính kết nối, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng. Năm 2019, hoạt động xe điện được tổ chức thí điểm tại thành phố Đà Lạt, góp phần đa dạng hóa các phương tiện lưu thông phục vụ du lịch. Giao thông hàng không đã kết nối với chín địa phương trong nước (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ, Thanh Hóa, Phú Quốc) và nhiều tuyến bay quốc tế (2 tuyến bay quốc tế thường lệ Bangkok - Thái Lan, Kuala Lumpur - Malaysia và một số chuyến bay từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia...). Du lịch Lâm Đồng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết; công tác quản lý nhà nước được chú trọng toàn diện, từ công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, hoàn thiện cơ chế, chính sách… đến ưu đãi trong đầu tư và khuyến khích kinh doanh dịch vụ du lịch, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tích cực tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ…

Người dân bản địa, địa phương cùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí của ngành du lịch nên đã chủ động xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch mới đồng thời tích cực bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong hoạt động du lịch. Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng cũng thường xuyên chủ động phối hợp trong việc thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến, tuyên truyền du lịch một cách trung thực, hiệu quả… Những nỗ lực của cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và chính quyền đã góp phần đưa du lịch Lâm Đồng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và khẳng định du lịch là ngành kinh tế động lực của kinh tế Lâm Đồng.

2. Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng trước và trong giai đoạn đại dịch Covid 19

Nguồn nhân lực du lịch là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công hay thất bại ngành du lịch Lâm Đồng. Việc đào tạo, phát huy nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội trước, trong và hậu giai đoạn đại dịch Covid 19 đang đứng trước những thách thức lớn cho cả các đơn vị đào tạo lẫn doanh nghiệp.

Theo Định hướng phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến 2020, tầm nhìn đến 2030, đề ra cụ thể đến năm 2020 phát triển khoảng 13.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ du lịch. Trong đó, phải có 80% qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ tin học… đến năm 2025, nâng số lao động trong các doanh nghiệp du lịch lên khoảng 15.000 và có từ 85% - 90% đã qua đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ du lịch... Trong tổng số nhân lực ngành du lịch hiện tại trong số 13.000 lao động, thì lĩnh vực lưu trú 9.000 người; lữ hành, hướng dẫn và vận chuyển khách 1.550 người; điểm du lịch 2.420 người; cơ quan quản lý về du lịch là 30 người. Trong đó, có 80% đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ. Tỷ lệ lao động được đào tạo, đào tạo lại, bố trí đúng ngành nghề, lao động có kinh nghiệm nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ có xu hướng ngày càng tăng. Nguồn nhân lực du lịch nhìn chung đa phần còn rất trẻ, độ tuổi lao động từ 18 - 35 tuổi chiếm hơn 60%.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Lâm Đồng thì trước và sau đại dịch Covid 19, phát triển nguồn nhân lực du lịch là một yêu cầu cấp thiết trong quá trình hội nhập của tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng đào tạo nhân lực cho ngành du lịch từ bậc phổ thông lành nghề đến đại học; hằng năm, cung cấp hơn 600 cử nhân và khoảng 1.500 lao động trung cấp, sơ cấp, như vậy, so với nhu cầu thực tế, thì nhân lực phục vụ du lịch Lâm Đồng vẫn còn thiếu rất nhiều. Hơn nữa, số lao động đã được đào tạo, tuy đã được trang bị khá tốt về kiến thức, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về khả năng thích ứng với môi trường làm việc, quản trị chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ. Nhiều nhân lực lao động hoạt động trong lĩnh vực khách sạn - nhà hàng chưa được đào tạo qua các nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ phục vụ buồng phòng, nghiệp vụ phục vụ bàn, nghiệp vụ chế biến món ăn… Hay như, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chưa am hiểu nhiều về văn hóa, lịch sử của đất nước, con người Việt Nam, con người Lâm Đồng, thiếu cán bộ quản lý có đủ năng lực điều hành… Đây là những vấn đề còn tồn động, ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển ngành du lịch Lâm Đồng.

Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng trong việc đào tạo nguồn nhân lực nhưng hiện nay vẫn đang thiếu trầm trọng lực lượng lao động lành nghề, có chuyên môn, kỹ thuật cao. Đặc biệt, việc đào tạo giám đốc, chức danh quản lý cao cấp chưa được chú trọng. Có tình trạng trên là do công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội còn nhiều bất cập. Thể hiện rõ nhất là biên chế công chức quản lý Nhà nước về du lịch còn hạn hẹp. Chính sách, cơ chế, văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa được bổ sung, hoàn thiện kịp thời, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Như vậy, thực tiễn ngành du lịch cho thấy, phát triển các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch phù hợp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đảm bảo chất lượng giảng dạy, điều kiện cơ sở giảng dạy. Đồng thời, tăng cường đào tạo đại học, đào tạo quản lý và trên đại học về du lịch, dịch vụ, quan tâm tới đào tạo kỹ năng nghề du lịch là vô cùng cần thiết. Cần phải có những giải pháp phù hợp và khóa học bám sát thực tiễn ngành du lịch để tạo những cơ sở căn bản giúp du lịch Lâm Đồng thích nghi và phát triển trong điều kiện mới – thích nghi với mội trường Covid và hậu đại dịch Covid 19.

Dịch Covid-19 bùng phát đợt 2, đã khiến các doanh nghiệp, du lịch Lâm Đồng chồng chất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp vừa mới gọi người lao động đi làm trở lại đã phải đau đầu tính toán lại lịch làm việc để giữ chân họ, một số đơn vị lại phải cho người lao động nghỉ việc trở lại. Thống kê sơ bộ, có trên 4.000 lao động trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có thông báo tạm ngưng hoạt động phải nghỉ việc không lương và đang thực hiện các thủ tục để nhận bảo hiểm thất nghiệp, hàng ngàn lao động bị giảm giờ làm và cắt giảm lương. Ví dụ: như khách sạn Ladalat của Công ty trách nhiệm hữ hạn, Nhà hàng Khách sạn Lê Thành ngừng kinh doanh và cho hơn 200 nhân viên nghỉ việc. Khu du lịch Rừng Madagui có hơn 200 nhân viên, nay chỉ có 13 người thuộc bộ phận chủ chốt, hơn 180 lao động luân phiên nghỉ phép hoặc nghỉ không ăn lương. Hay, công ty Vietravel chi nhánh Đà Lạt cũng tạm ngưng hoạt động... Việc ít khách và tạm ngưng nghỉ hoạt động du lịch ảnh hưởng lớn đến đời sống của đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch hiện nay. Điều này còn có thề dẫn đến khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo đội ngũ lao động sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh Covid 19 và những hoạt động hậu Covid.

Mặc dù vậy, theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, để góp phần đạt mục tiêu đền 2025, thu hút khách du lịch lưu trú bình quân 2,5 ngày trong mỗi chuyến du lịch, ngành du lịch đang tập trung mọi nguồn lực phát triển mạnh mẽ hơn 6 loại hình du lịch chủ đạo có lợi thế cạnh tranh gắn liền với đặc trưng văn hóa, môi trường tự nhiên ở địa phương… Những mục tiêu cụ thể là tăng tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ trong GRDP toàn tỉnh Lâm Đồng đạt trên 37% vào năm 2025 và đạt 40% vào năm 2030; số lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú tăng bình quân từ 9% đến 10% năm 2025 và 8% đến 9% năm 2030, trong đó, khách quốc tế chiếm từ 12% đến 20% trong tổng số khách du lịch; phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp đạt chuẩn 3 đến 5 sao, với số phòng chiếm 25% tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú và trên 45% trong tổng số phòng của khách sạn đạt chuẩn có sao vào năm 2025, các chỉ tiêu này đến năm 2030 sẽ lần lượt là 27% và 48%. Qua đây thu hút 15 nghìn lao động trực tiếp tại các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ với 85% lao động được đào tạo kỹ năng nghề du lịch từ sơ cấp trở lên, đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ và tăng ngày lưu trú bình quân lên 2,5 ngày vào năm 2025, vào năm 2030 những chỉ tiêu về lao động trong ngành du lịch sẽ lần lượt là 18 nghìn, 87% và 2,6 ngày. Lâm Đồng cũng đưa ra hệ thống chín nhóm giải pháp thực hiện phát triển nhân lực du lịch, gồm: đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy về du lịch đại phương; hoàn thiện thể chế, chính sách kết hợp với phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch Lâm Đồng; phát triển nguồn nhân lực và đa dạng hóa thị trường khách du lịch với phát triển sản phẩm du lịch; qua công nghệ số, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch cùng với ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường khả năng cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch.

3. Những kiến nghị và đề xuất đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng thích nghi đại dịch Covid 19

Thứ nhất, du lịch Lâm Đồng là một ngành kinh tế động lực, đòi hỏi có sự giao tiếp rộng và trực tiếp đối với khách hàng, do vậy yêu cầu về chất lượng đội ngũ lao động làm việc trong ngành du lịch dịch vụ phải đáp ứng được kiến thức, kỹ năng chuyên môn, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ. Các trường đại học, trung tâm đào tạo, cần xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO, để nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo phù hợp. Các trường đại học, trung tâm đào tạo chủ động giao cho giáo viên, hướng dẫn liên hệ để gửi sinh viên, học viên thực tập thực tế tại các doanh nghiệp, tăng thời lượng thực hành, giảm lý thuyết.

Thứ hai, tăng cường đào tạo đại học, đào tạo quản lý và sau đại học về du lịch, dịch vụ, quan tâm tới đào tạo kỹ năng nghề du lịch, phát triển các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đảm bảo chất lượng giảng dạy, điều kiện cơ sở giảng dạy phù hợp thích nghi với đại dịch Covid 19.

Thứ ba, thiết kế lại mô thức đầu ra của chương trình đào tạo du lịch đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp khi các doanh nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp 4.0 thích nghi đại dịch Covid 19. Xây dựng mới một số môn học hay module, giáo trình phù hợp với chuẩn đầu ra mang tính thích ứng linh hoạt cao với đạo dịch Covid. Xây dựng nhiều loại hình du lịch thích ứng với du lịch trực tuyến để khách du lịch sẽ xem và lựa chọn trực tuyến các tour, nơi đến trước khi đi.

Thứ tư, thói quen giới trẻ hiện đại mà người trẻ sẽ mua vé, đặt phòng hay gọi thức ăn… đều thông qua hệ thống số điện tử, kinh tế số. Hệ thống Robot hay công nghệ sẽ thay con người làm các nghiệp vụ đòi hỏi đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải thích nghi tốt hơn. Nhiều vị trí việc làm mới như nghiên cứu, đào tạo sẽ thay thế những vị trí truyền thống mà hệ thống công nghệ đã đảm nhiệm. Công tác đào tạo theo hướng truyền thống cũ kỹ ở Lâm Đồng, đòi hỏi cơ sở đào tạo phải xây dựng trang bị bắt kịp với xu thế số mới.

Thứ năm, thực tiễn bắt buộc, nhân lực du lịch Lâm Đồng phải đa dạng hóa loại hình đào tạo, hình thức, mã hóa dữ liệu phục vụ nguồn lao động mới mọi lúc mọi nơi thay vì sinh viên, học viên phải lên giảng đường, thư viện đọc sách như những năm gần đây.

Thứ sáu, thường xuyên tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, tin học, ngoại ngữ, phương pháp giảng dạy để giảng viên đủ khả năng giảng dạy, tự nghiên cứu, trao đổi chuyên môn ở các diễn đàn trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực theo hướng thích nghi đại dịch Covid 19.

Thứ bảy, việc chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch cho quá trình hội nhập và phát triển, du lịch Lâm Đồng cần thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực ngành du lịch để Du lịch Lâm Đồng phù hợp, thích nghi với yêu cầu về tiêu chuẩn nghề trong nước, khu vực và quốc tế.

Thứ tám, xây dựng chiến lược để phát triển nhân lực ngành du lịch, tỉnh Lâm Đồng chủ động ban hành các chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác phát triển nhân lực du lịch. Thu hút lao động du lịch chất lượng cao, nâng cao chế độ đãi ngộ và sử dụng nhân lực đã qua đào tạo một cách hiệu quả nhất.

Kết luận

Lâm Đồng là tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên với điều kiện thuận lợi về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống động thực vật phong phú, kiến trúc đặc thù và nền văn hóa bản địa đa tầng đã tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng, tạo nhiều lợi thế đặc biệt để phát triển du lịch chất lượng cao. Để khai thác hết những tiềm năng đó, ngành du lịch Lâm Đồng cần phải có một đội ngũ đầy đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công hay thất bại của các ngành kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Việc đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội đang đứng trước những thách thức lớn cho cả các đơn vị đào tạo lẫn doanh nghiệp.

Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực du lịch Lâm Đồng vẫn là bài toán khó đối với nhà quản lý doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Sự chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực của ngành du lịch Lâm Đồng trong những năm qua chưa đảm bảo tính bền vững, quy mô nguồn lực du lịch còn nhỏ, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh du lịch của địa phương. Không những thiếu về số lượng, mà còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ; chất lượng phục vụ còn nhiều hạn chế. Nhiều lĩnh vực còn thiếu cán bộ chuyên môn và chuyên gia giỏi như cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, chuyên gia hoạch định chính sách, bộ phận nghiên cứu thị trường, xây dựng quy hoạch, chiến lược... Trong bối cảnh trước và sau đại dịch Covid 19 thì, phát triển nguồn nhân lực du lịch là một yêu cầu cấp thiết trong quá trình hội nhập của du lịch tỉnh Lâm Đồng.

Vì vậy, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về đào tạo nghề, đào tạo nguồn cho du lịch. Thiết lập và nâng cao mối quan hệ chặt chẽ giữa các đơn vị liên đới với đào tạo phát triển nhân lực du lịch, nhất là những trung tâm khu vực có điều kiện tương tự nhưng đã đi trước du lịch Lâm Đồng về chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ. Xem đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho Lâm Đồng, không phải những là công việc và trách nhiệm của nhà trường, trung tâm, mà cần có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo, chính quyền, doanh nghiệp và hiệp hội trong quản lý và đào tạo nghề du lịch trong điều kiện đại dịch Covid đang hoành hành và có nguy cơ quay lại bất cứ lúc nào./.

       Tài liệu tham khảo

  1. Báo điện tử Tạp chí cộng sản, “Lâm Đồng: Phát triển các loại hình du lịch chủ đạo”, ngày 08 tháng 09 năm 2020, truy cập tại trang web https://dangcongsan.vn/kinh-te/lam-dong-phat-trien-cac-loai-hinh-du-lich-chu-dao-563087.html.
  2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2017), “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - thời cơ và thách thức đối với Việt Nam”, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, tr.68.
  3. Lê Hoa, “Du lịch Lâm Đồng ứng phó với COVID-19”, đăng ngày 3 tháng 4 năm 2020, truy cập tại trang web http://www.dalat-info.vn/vn/du-lich/du-lich-lam-dong-ung-pho-voi-covid-19-41335.phtml.
  4. Lê Thanh, “Lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng”, 2/08/2016, truy cập tại trang web http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/loi-the-va-tiem-nang-phat-trien-du-lich-cua-tinh-lam-dong-110896.html.
  5. Long Châu, “Lâm Đồng - chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch”, 7-10-2020, truy cập tại trang web http://www.dalat-info.vn/vn/thang-10-2020/lam-dong--chu-trong-phat-trien-cac-san-pham-du-lich-42733.phtml.
  6. Nguyên Vũ, “Liên kết phát triển du lịch Lâm Đồng với các địa phương”, 30/09/2019, truy cập tại trang web https://dulich.petrotimes.vn/lien-ket-phat-trien-du-lich-lam-dong-voi-cac-dia-phuong-550860.html.
  7. Nhật Quân, “Doanh nghiệp du lịch mong gì sau đại dịch COVID-19”, đăng trên Báo điện tử Lâm Đồng, ngày 14 tháng 05 năm 2020, truy cập tại trang web http://baolamdong.vn/dulich/202005/doanh-nghiep-du-lich-mong-gi-sau-dai-dich-covid-19-3003456/index.htm.
  8. Thanh Dương Hồng, “Lâm Đồng cần bổ sung nhân lực du lịch chuyên nghiệp”, đăng ngày 8 tháng 10 năm 2018, truy cập tại trang web http://baodulich.net.vn/Lam-Dong-can-bo-sung-nhan-luc-du-lich-chuyen-nghiep-2404-16860.html.
  9. Tổng cục du lịch Lâm Đồng, “Thành tựu nổi bật về du lịch Lâm Đồng”, đăng ngày 14 tháng 10 năm 2020, truy cập tại trang web  http://www.dulichvn.org.vn/index.php/item/thanh-tuu-noi-bat-ve-phat-trien-du-lich-lam-dong-43409.
  10. TS. Lê Quang Đăng, Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam, ngày 30 tháng 08 năm 2019, truy cập tại trang web http://itdr.org.vn/nghien_cuu/cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-tien-trinh-phat-trien-du-lich-thong-minh-tai-viet-nam/.
  11. TS. Nguyễn Anh Tuấn, TS. Lê Quang Đăng, “Phát triển nhân lực du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghệ số”, đăng ngày 11 tháng 05 năm 2020, truy cập tại trang web http://vtr.org.vn/phat-trien-nhan-luc-du-lich-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghe-so.html
  12. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2019), Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam”, Hà Nội.
  13. Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (2019), Dự thảo “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, Hà Nội.
Tin liên quan