LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
TỈNH LÂM ĐỒNG
Số 2A Trần Hưng Đạo - Phường 3 - Thành phố Đà Lạt - Điện thoai: 0263.3533247 - Email: lienhiephoilamdong@gmail.com

Xây dựng điểm đến du lịch thông minh gắn với quản lý phát triển bền vững du lịch tỉnh Lâm Đồng hiện nay

Danh mục: Tư vấn phản biện Ngày đăng: 19 tháng 5 năm 2023

XÂY DỰNG ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH THÔNG MINH GẮN VỚI QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH TỈNH LÂM ĐỒNG HIỆN NAY

 

ThS. Nguyễn Thái Hòa – ThS. Nguyễn Vũ Hoa Hồng

 Giảng viên Trường Đại học Đà Lạt

    

Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự đã tạo nên sự đột phá với tốc độ siêu tốc không thể ngờ đến khi thông tin, mọi hình ảnh tại điểm du lịch có thể nhanh chóng được kết nối, chia sẻ cho tất cả mọi người ở mọi lúc, mọi nơi. Ngày nay, phát triển du lịch thông minh (DLTM) đã trở thành xu hướng tất yếu trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi mà công nghệ thông tin hiện đại được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống xã hội. Ở Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng, đang từng bước tiếp cận nền kinh tế số, cùng với định hướng xây dựng trở thành đô thị thông minh, Lâm Đồng bước đầu đã có những tiền đề nhất định để phát triển mạnh loại hình du lịch thông minh và điểm đến du lịch thông minh.

Từ khóa: thành phố thông minh, du lịch thông minh, công nghệ thông tin và truyền thông, Lâm Đồng.

1. Một số khái niệm

1.1. Du lịch thông minh: Thuật ngữ “du lịch thông minh” mới xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng một vài năm trở lại đây, được nhắc đến nhiều khi Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính thức diễn ra ở nước ta. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch): “Du lịch thông minh là du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích, dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng”.

                                                                         Hình 1: Các thành phần của du lịch thông minh                

                                                           Nguồn: Pam Lee, William Cannon Hunter, Namho Chung (2019).

 Khái niệm về du lịch thông minh từ hình 1 cho thấy rằng du lịch thông minh không phải là một mục tiêu cuối cùng, nhưng với sự trợ giúp của công nghệ, đổi mới và hợp tác, nó sẽ mang lại trải nghiệm du lịch tốt hơn, thịnh vượng xã hội, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và các điểm đến, đồng thời dẫn đến sự bền vững đối với môi trường cạnh tranh chung. Theo Neuhofer & Buhalis và ctg (2012) phân tích, du lịch thông minh kéo dài ba lớp trên cả ba thành phần gồm:

- Lớp thông tin thông minh nhằm thu thập dữ liệu.

- Lớp trao đổi thông minh để hỗ trợ khả năng liên kết.

- Lớp xử lý thông minh giúp phân tích, hình dung, tích hợp và sử dụng thông minh dữ liệu.

Mục đích của du lịch thông minh là nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, tối đa hóa khả năng cạnh tranh và tăng cường tính bền vững thông qua việc ứng dụng công nghệ vào đổi mới và áp dụng thực tiễn kinh doanh.

Theo Gretzel và Jamal (2009) thì du lịch thông minh bao gồm 3 thành phần chính:

- Điểm đến du lịch thông minh: Là điểm đến du lịch sáng tạo, được xây dựng trên cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, đảm bảo sự phát triển bền vững các khu vực du lịch, có thể tiếp cận được với mọi người, tạo thuận lợi cho sự tương tác của khách truy cập và hội nhập vào môi trường xung quanh, làm tăng chất lượng của trải nghiệm tại điểm đến, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Theo Buhalis và Amaranggana (2) cho rằng: Điểm đến du lịch thông minh có lợi thế như sau: (1) Công nghệ gắn liền mới môi trường; (2) Các quy trình đáp ứng ở cấp độ vi mô và vĩ mô; (3) Thiết bị của người dùng cuối ở nhiều điểm tiếp xúc; (4) Các bên liên quan tham gia sử dụng nền tảng này một cách linh hoạt như một hệ thống thần kinh của não bộ.

- Kinh nghiệm thông minh: Là những trải nghiệm du lịch qua trung gian công nghệ và sự tăng cường trao đổi thông tin qua việc cá nhân hóa, nhận thức bối cảnh và theo dõi thời gian thực.

- Hệ sinh thái kinh doanh du lịch thông minh: Là hệ sinh thái kinh doanh phức tạp tạo ra và hỗ trợ việc trao đổi các nguồn lực du lịch kết hợp với kinh nghiệm du lịch.

1.2. Điểm đến du lịch thông minh (Smart Tourism Destination)

Theo Viện Phát triển Đổi mới của Tây Ban Nha (SEGITTUR) cùng với Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia AENOR, điểm đến du lịch thông minh là “Một khu vực du lịch đổi mới sáng tạo, dễ tiếp cận với mọi người và được xây dựng dựa trên cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, đảm bảo sự phát triển bền vững của lãnh thổ, tạo điều kiện cho sự tương tác của du khách và sự tích hợp của họ với môi trường xung quanh và nâng cao chất lượng trải nghiệm của họ tại các điểm đến và chất lượng cuộc sống của người dân”. Nhiều định nghĩa khác về điểm đến du lịch thông minh cũng đã được các nhà nghiên cứu đề xuất, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng điểm đến du lịch thông minh có thể được xác định bằng không gian du lịch với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) và các công nghệ nâng cao khác (Internet vạn vật, điện toán đám mây và các hệ thống dịch vụ Internet người dùng cuối…) nhằm cố gắng cải thiện trải nghiệm của du khách khi tiếp cận điểm đến đó, đồng thời cung cấp chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng công nghệ không phải là yếu tố duy nhất khiến ngành Du lịch trở nên thông minh. Các nguyên tắc của du lịch thông minh đòi hỏi có tính đồng bộ, nhất là ở khâu quản lý nâng cao kinh nghiệm du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, tối đa hóa khả năng cạnh tranh, bên cạnh với việc đảm bảo khía cạnh bền vững của kinh tế - xã hội của một điểm đến.

1.3. Hệ sinh thái du lịch thông minh (Smart Tourism Ecosystem)

Khái niệm hệ sinh thái vào du lịch thông minh đầu tiên đã được đề xuất bởi Zhang, Li, & Liu (2012), người đã đề xuất khái niệm cơ bản về du lịch thông minh dựa trên nguồn gốc và điều kiện phát triển của du lịch thông minh. Sau này, Zhu, Zhang, & Li (2014) đã mở rộng khái niệm hệ sinh thái du lịch thông minh cụ thể hơn, đã đề xuất năm yếu tố của hệ thống du lịch thông minh: khách du lịch, chính phủ, khu danh lam thắng cảnh, doanh nghiệp và trung tâm trao đổi thông tin. Và theo Gretzel, Werthner, Koo & Lamsfus (2015) đã nghiên cứu mở rộng khái niệm, phát triển trong cấu trúc của hệ sinh thái một mô hình mới bao gồm người tiêu dùng du lịch (khách du lịch), người tiêu dùng dân cư (người dân), nhà cung cấp du lịch (doanh nghiệp du lịch), nhà cung cấp từ các ngành khác, chính phủ, truyền thông, tổ chức quản lý điểm đến, công nghệ kỹ thuật số, tất cả nhúng trong một không gian (điểm đến du lịch).

Hệ sinh thái du lịch thông minh tập trung đề cập đến môi trường tương tác một cách toàn diện nhất để mô tả nền tảng khái niệm và quản lý/vận hành của du lịch thông minh. Hệ sinh thái du lịch thông minh dựa trên ý tưởng mọi lớp cắt hình thành nên nền tảng du lịch thông minh không hoạt động riêng lẻ, mà nó phải tương tác trong một tổng lộ tuyến hướng đến tạo dựng thành công mô hình thành phố thông minh. Hệ sinh thái này tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ các mối quan hệ trong một môi trường hòa nhập dựa trên các hoạt động cụ thể và mạng lưới kinh doanh du lịch nói chung (Moore, 1993). Du lịch thông minh tất yếu phải nằm trong hệ sinh thái này để phát triển. Hệ sinh thái du lịch thông minh được cấu tạo bởi các thành phần khác nhau gồm khách hàng, người đóng vai trò điều phối thị trường, chính phủ… Gắn kết với những khái niệm này, du lịch thông minh hoạt động vận hành trong môi trường hệ sinh thái du lịch chủ yếu dựa trên bốn yếu tố: (1) công nghệ kỹ thuật số được sử dụng bởi (2) người tiêu dùng (khách du lịch, người dân), (3) doanh nghiệp (doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp từ các ngành khác), và (4) du lịch điểm đến (không gian do DMO: Destination Marketing Orgnization, chính phủ quản lý). Du lịch thông minh là một hiện tượng có nền tảng vững chắc về công nghệ (Gretzel, Reino, et al, 2015). Theo Xiang & Fesenmaier (2017), những tiến bộ gần đây như điện toán đám mây, cảm biến và GPS được sử dụng rộng rãi, thực tế ảo và tăng cường cũng như việc áp dụng đầy đủ các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ di động đã thúc đẩy sự xuất hiện của sự thông minh trong du lịch. Du lịch thông minh tận dụng ba thành phần công nghệ: Điện toán đám mây, Internet của hệ thống dịch vụ internet bao gồm tất cả các ứng dụng và phần cứng cho phép sử dụng hai thành phần công nghệ khác này. Chúng có thể bao gồm các ứng dụng đích, thực tế ảo và tăng cường, cảm biến, NFC, mã QR, iBeacons, kết nối phổ biến thông qua Wi-Fi, các trang web và mạng xã hội thế hệ mới nhất hoặc chatbot (Huang, Goo, Nam & Yoo, 2017).

Cấp độ người tiêu dùng tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ thông minh dựa trên thời gian thực và hiểu biết toàn diện về trải nghiệm du lịch (Xiang & Fesenmaier, 2017) và bởi chất lượng cuộc sống của cư dân tốt hơn. Từ quan điểm du lịch, công nghệ thông tin được nâng cao kinh nghiệm bằng cách cung cấp tất cả thông tin thời gian thực liên quan về điểm đến và các dịch vụ của điểm đến trong giai đoạn lập kế hoạch, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin thời gian thực để hỗ trợ khách du lịch khám phá các điểm đến trong chuyến đi và kéo dài thời gian tương tác để hồi tưởng lại trải nghiệm bằng cách cung cấp phản hồi sau chuyến đi (Buhalis & Amaranggana, 2015). Do đó, du khách thông minh có thể được mô tả như một và khách du lịch có đầy đủ thông tin, những người quan tâm đến tính bền vững và trách nhiệm của điểm đến mà du khách ấy ghé thăm. Chính khách du lịch là người sẵn sàng chia sẻ dữ liệu và đổi mới, sử dụng các công nghệ thông minh, tương tác năng động với các bên liên quan khác.

Cấp độ kinh doanh được xây dựng dựa trên quyền truy cập vào dữ liệu được chia sẻ thúc đẩy hợp tác và chia sẻ tài nguyên giữa các doanh nghiệp (Xiang & Fesenmaier, 2017). Nó kết hợp việc sử dụng dữ liệu nội bộ và công nghệ hiện đại trong doanh nghiệp để hỗ trợ tiếp thị, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh, cũng như dữ liệu từ môi trường bên ngoài được hỗ trợ bởi chia sẻ dữ liệu. Doanh nghiệp thông minh có thể tích hợp đầy đủ các ứng dụng bên trong và bên ngoài, trao đổi dữ liệu từ đám mây, lấy dữ liệu lịch sử và thời gian thực từ dữ liệu lớn và áp dụng các hệ thống được kết nối và tương tác. Điều này sẽ hỗ trợ liên kết giữa các hệ thống giá trị, nâng cao hiệu quả tập thể và lợi nhuận của hệ sinh thái kinh doanh, và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (Buhalis & Leung, 2018). Các doanh nghiệp du lịch vận hành nhiều hệ thống ứng dụng như hệ thống quản lý tài sản (PMS), hệ thống điểm bán hàng (POS), hệ thống bán hàng và tiếp thị (S&M), hoặc hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (eCRM).

Cấp độ điểm đến đồng hành với hai cấp độ trước đó bằng cách tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng cuộc sống của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả người dân và khách du lịch (Boes, Buhalis & Inversini, 2016). Theo Buhalis & Amaranggana, (2015) dựa trên dữ liệu có sẵn, sáng kiến du lịch thông minh giúp các DMO, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp du lịch đưa ra quyết định trong thời gian thực và thích ứng rất nhanh với sự thay đổi của môi trường. Chia sẻ dữ liệu tại một địa điểm du lịch yêu cầu hệ thống thông tin thông minh kết nối tất cả các bên liên quan trong một điểm đến, tích hợp dữ liệu từ các nguồn khác nhau và cho phép chia sẻ động và thời gian thực ra quyết định. Ý tưởng điểm đến du lịch thông minh bắt nguồn từ khái niệm thành phố thông minh, nơi mà sự thông minh được kết hợp trong di chuyển, sinh hoạt, con người, quản trị, kinh tế và môi trường (Giffinger et al, 2007). Một thành phố thông minh có thể được định nghĩa là một thành phố được hỗ trợ bởi sự hiện diện phổ biến và việc sử dụng rộng rãi các công nghệ thông tin tiên tiến, kết nối với các hệ thống và lĩnh vực đô thị khác nhau, cho phép thành phố kiểm soát các nguồn lực sẵn có một cách an toàn, bền vững và hiệu quả để cải thiện kết quả kinh tế và xã hội (Bibri & Krogstie, 2017). Thành phố thông minh là trung tâm tri thức quản lý thông tin, công nghệ và đổi mới, cố gắng đạt được mục tiêu quản lý hiệu quả, phát triển bền vững và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cư dân (Caragliu, Del Bo, & Nijkamp, 2011). Kể từ khi ra đời trong môi trường đô thị, phương pháp tiếp cận thông minh cũng đã được áp dụng cho các điểm đến du lịch (Ivars-Baidal, Celdrán-Bernabeu, Mazón, & Perles-Ivars, 2017). Thực thi khái niệm thông minh trong một điểm đến du lịch là rất quan trọng kể từ khi kết nối, tốt hơn được thông báo, và khách du lịch gắn bó tương tác với điểm đến dẫn đến nhu cầu đồng tạo sản phẩm du lịch và gia tăng giá trị cho tất cả các bên liên quan đến du lịch (Neuhofer và cộng sự, 2012).

2. Phương thức triển khai hoạt động du lịch thông minh gắn với một điểm đến

  Theo Gretzel; Xiang, Z.; Koo và ctg (2015): Du lịch thông minh có thể được thực hiện theo bất kỳ cách thức nào, cung cấp để đạt được kết quả của việc quản lý tài nguyên nâng cao, tính bền vững và khả năng cạnh tranh. Có 05 cách chính để làm điều này, 05 phương pháp được gợi ý bao gồm: tùy chọn tiếp cận du lịch thông minh, sáng kiến về du lịch thông minh bền vững, chia sẻ thông tin du lịch thông minh, công cụ nghiên cứu và quản lý du lịch thông minh và kinh nghiệm du lịch thông minh.

 2.1. Tùy chọn tiếp cận du lịch thông minh

 Để một doanh nghiệp du lịch xác định du lịch thông minh là một sáng kiến hay, họ phải chứng minh rằng họ có thể cho phép quyền truy cập cho tất cả mọi người, cả về mặt vật lý và kỹ thuật số. Điều này có nghĩa là mọi người đều có quyền truy cập vào nhà cung cấp, bất kể tuổi tác, giới tính, tôn giáo, chủng tộc, tình trạng sức khỏe... Một điểm thu hút du lịch thông minh hoặc điểm đến cần có cơ sở hạ tầng giao thông phát triển tốt cho phép tất cả mọi người đi du lịch (ví dụ: có xe lăn, và thang máy cho phụ huynh, có xe đẩy…). Điều này cũng nên bao gồm các tùy chọn có giá hợp lý, thường sẽ là giao thông công cộng. Khả năng tiếp cận du lịch thông minh cũng bao gồm giao tiếp ngôn ngữ. Kinh nghiệm, nhiều khách du lịch đã vật lộn rất nhiều kể từ khi chuyển đến Trung Quốc hoặc một quốc gia sử dụng ngôn ngữ khác. Nhiều điểm tham quan của Trung Quốc không cung cấp thông tin cho khách du lịch không hiểu tiếng Trung Quốc. Những chỗ khác chỉ cung cấp bản dịch của một số thông tin cơ bản, hoặc sơ sài, thậm chí là sử dụng cả google dịch.

2.2. Sáng kiến du lịch thông minh bền vững

Du lịch bền vững luôn đi đầu trong nhiều kế hoạch và hoạt động của các công ty du lịch hiện nay và đều nhằm những mục đích cải thiện hoạt động du lịch.  Một điểm quan trọng của du lịch thông minh đó là sự bền vững. Các công ty du lịch muốn ứng dụng các sáng kiến du lịch thông minh thành công thì cần phải tập trung nhiều vào tính bền vững; giảm lượng khí thải carbon, áp dụng các phương pháp thân thiện với môi trường...

Có nhiều cách để các tổ chức thực hiện các sáng kiến du lịch thông minh, có thể sử dụng công nghệ thông minh để cải thiện các hoạt động bền vững của họ. Thành phố Helsinki đã chứng minh cam kết của họ về du lịch bền vững qua Sustainable Flow Festival và Estonia có phát minh Green Key. Ở cấp độ lớn hơn, có nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng sinh thái trên khắp thế giới cũng như các hình thức du lịch có lợi cho xã hội như du lịch tình nguyện. Tất nhiên, chỉ có các hoạt động bền vững thôi thì không đủ điều kiện làm doanh nghiệp du lịch như một nhà cung cấp du lịch thông minh. Những ứng dụng này cần được củng cố bởi công nghệ, chẳng hạn như việc sử dụng ánh sáng bảng điều khiển năng lượng mặt trời...

2.3. Chia sẻ thông tin về du lịch thông minh

Một trong những tiến bộ quan trọng giúp du lịch thông minh phát triển hơn trong những năm gần đây là sự phát triển của các nền tảng chia sẻ thông tin. Việc thông số hóa xã hội hiện đại đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp du lịch chia sẻ thông tin du lịch cho khách du lịch.

Sự phát triển của phương tiện truyền thông xã hội, mã QR, XR, VR... và các chương trình ứng dụng hiện đại đã cung cấp cho các doanh nghiệp du lịch những cơ hội trước đây chưa từng có.

Các tổ chức du lịch hiện có thể sử dụng những cơ hội mới này để cung cấp thông tin trước, trong và sau chuyến đi của khách du lịch. Họ cũng có thể sử dụng các phương thức quảng cáo và tiếp thị hiệu quả hơn trên các nền tảng trực tuyến này.

Các tổ chức đã tận dụng những tính năng mới của việc chia sẻ thông tin du lịch thông minh bằng cách áp dụng vào các phương tiện chia sẻ thông tin điện tử, ví dụ như trong một bảo tàng hoặc triển lãm, khuyến khích sử dụng các hashtag cụ thể và gắn thẻ vị trí và phát triển các ứng dụng tùy chỉnh.

2.4. Công cụ nghiên cứu và quản lý du lịch thông minh

Ngày nay có rất nhiều phương pháp thu thập và giám sát thông tin. Các tổ chức hiện có rất nhiều dữ liệu trong tầm tay họ.

Việc áp dụng các công cụ quản lý và nghiên cứu du lịch thông minh, như thiết kế bộ theo dõi lưu lượng du lịch hoặc phát triển chương trình CRM phù hợp, giúp cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh.

 Một ví dụ điển hình về điểm đến đã triển khai công cụ nghiên cứu và quản lý du lịch thông minh là Malaga, họ đã giới thiệu một ứng dụng đỗ xe để giúp du khách đỗ xe hiệu quả hơn và giảm tắc nghẽn.

2.5. Kinh nghiệm du lịch thông minh

Các điểm đến, điểm tham quan và các nhà cung cấp du lịch khác hiện đang áp dụng các phương pháp công nghệ tiên tiến để phát triển và nâng cao trải nghiệm du lịch. Bao gồm từ các ứng dụng thực tế đến chơi game và công nghệ thực tế ảo.

Tại Vương quốc Anh, The Hub hotel from Premier Inn, đã ứng dụng vào thực tế qua bản đồ được treo trên tường trong tất cả các phòng của khách sạn. Khi khách du lịch xem bản đồ này qua một thiết bị thông minh, bản đồ sẽ hiện ra những thông tin bổ sung cụ thể hơn về các địa điểm hot trong khu du lịch.

3. Tổng quan về thực trạng phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng có 34 điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh, hơn 60 điểm tham quan miễn phí, phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí tạo nên sự đa dạng, phong phú đối với các tour, tuyến du lịch. Một số điểm du lịch tiêu biểu ở Lâm Đồng có thể kể đến như: Thác Cam Ly, Thác Đatanla, Thác Prenn, Thác Voi, Thác Pongour, Thác Đamb’ri; Hồ Xuân Hương, Hồ Tuyền Lâm, Hồ Than Thở, Hồ Đankia – Suối Vàng; Thung lũng Tình yêu, Núi Langbiang, Làng Du lịch Rừng Mađagui, KDL Sinh thái Núi Voi; Vườn hoa thành phố, Sân Golf Đà Lạt, Khu du lịch Trúc Lâm Viên, Khu du lịch làng Cù Lần, Sao Đà Lạt, Dinh I, III...

Langbiang đã được UNESCO công nhận là khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới. Vườn Quốc gia BiDoup – Núi Bà là một trong 30 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các vườn quốc gia Việt Nam, được đánh giá là một trong 221 khu xem chim của thế giới, được các nhà khoa học đánh giá là một trong 04 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Vườn Quốc gia Cát Tiên là nơi có một trong 08 khu vực đất ngập nước Ramsar của Việt Nam (Bàu Sấu), là một trong 09 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận của Việt Nam.

Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng miền núi được xem là sản phẩm du lịch đặc thù và có sức hấp dẫn đặc biệt, các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn liền với thiên nhiên: Tham quan hệ thống các hồ, thác, sông, suối... tham gia các hoạt động du lịch dã ngoại, thể thao mạo hiểm: Leo núi, cắm trại, đua xe đạp địa hình, vượt thác, chơi golf, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch hội thảo, du lịch sinh thái rừng nguyên sinh... Nhiều sản phẩm du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái... là nơi lý tưởng để tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch nghỉ dưỡng. Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 9.765 km2, là tỉnh có ngành du lịch – dịch vụ phát triển với tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn phong phú. Với thủ phủ là thành phố Đà Lạt nằm trên độ cao 1.500m so với mặt nước biển, là thành phố được thiên nhiên biệt đãi với khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ, nhiệt độ trung bình thường từ 180C đến 250C. Với tính đa dạng sinh học, thành phố ngàn hoa Đà Lạt trở thành “một thành phố trong rừng và rừng trong thành phố”.

Lâm Đồng là một vùng đất với trên 42 cộng đồng dân tộc sinh sống như: Kinh, K’ho, Mạ, Lạch, Nùng, Tày, Churu, Mnông... Lâm Đồng có sự đa dạng màu sắc của văn hóa, di sản văn hóa của các dân tộc bản địa như K’Ho, Mạ, Churu... được quan tâm, bảo tồn tôn tạo và phát triển nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Du khách đến Lâm Đồng được khám phá đời sống văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa, được trải nghiệm cuộc sống của những người dân nông thôn vùng cao, trải nghiệm đời sống của nông dân như: trồng hoa, trồng rau, tìm hiểu về hoạt động sản xuất, canh tác và tham gia cùng gia đình người dân các hoạt động nông nghiệp và hưởng thụ những thành quả từ bàn tay và khối óc của người nông dân Lâm Viên. Nhiều điểm đến với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Thung lũng Tình Yêu, Thác Datanla, Thác Đ’Bri, Khu du lịch rừng Madagui… Về du lịch tâm linh cũng có sức thu hút lớn đối với khách du lịch. Điển hình như: Thiền viện Trúc Lâm, chùa Linh Ẩn, chùa Linh Phước... Cùng với đó, việc tổ chức các lễ hội định kỳ như: Festival Hoa, Lễ hội Trà; Ngày hội thác PonGour... cũng góp phần tăng cường sự hiện diện của Lâm Đồng trên bản đồ du lịch của cả nước.

Với nhiều lợi thế thiên nhiên ban tặng và sức sáng tạo của con người cùng văn hóa bản địa đặc sắc, Lâm Đồng đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Phương tiện giao thông đến Lâm Đồng rất thuận tiện, mỗi ngày du khách có thể đến với thành phố Đà Lạt bằng các chuyến bay của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific nối thủ phủ Đà Lạt với thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh và Huế. Người dân bản địa, địa phương cùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí của ngành du lịch nên đã chủ động xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch mới, đồng thời tích cực bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong hoạt động du lịch. Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng cũng thường xuyên chủ động phối hợp trong việc thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến, tuyên truyền du lịch một cách trung thực, hiệu quả… Những nỗ lực của cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và chính quyền đã góp phần đưa du lịch Lâm Đồng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và khẳng định du lịch là ngành kinh tế động lực của kinh tế Lâm Đồng.

Du lịch Lâm Đồng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết; công tác quản lý nhà nước được chú trọng toàn diện, từ công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, hoàn thiện cơ chế, chính sách…; đến ưu đãi trong đầu tư và khuyến khích kinh doanh dịch vụ du lịch, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tích cực tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ… Hạ tầng giao thông phát triển, làm tăng cường tính kết nối, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng. Năm 2019, hoạt động xe điện được tổ chức thí điểm tại thành phố Đà Lạt, góp phần đa dạng hóa các phương tiện lưu thông phục vụ du lịch. Giao thông hàng không đã kết nối với chín địa phương trong nước (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ, Thanh Hóa, Phú Quốc) và nhiều tuyến bay quốc tế (02 tuyến bay quốc tế thường lệ Bangkok - Thái Lan, Kuala Lumpur - Malaysia và một số chuyến bay charter từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia...).

4. Một số khuyến nghị giải pháp phát triển để Lâm Đồng trở thành điểm đến du lịch thông minh

Thứ nhất, chú trọng công tác đào tạo chuyển giao công nghệ phải phù hợp với các đối tượng sử dụng từ cơ bản đến nâng cao, đáp ứng yêu cầu khai thác của đơn vị quản lý sử dụng. Nội dung đào tạo tập trung vào khai thác các phân hệ của hệ thống. Đối với nội dung đào tạo nâng cao cần tập trung vào bộ phận cốt yếu đảm nhận công tác quản lý điều hành hệ thống là những chuyên viên có trình độ và hiểu biết về công nghệ thông tin ở mức độ nhất định.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch; xây dựng hệ sinh thái đa chiều cho hoạt động kinh doanh du lịch, nhằm nâng cao chất lượng điểm đến du lịch, hệ sinh thái đa chiều phải dựa trên nên tảng của công nghệ 4.0. Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, quảng bá hình ảnh, thông tin nhanh chóng về các sản phẩm dịch vụ du lịch, chương trình kích cầu khuyến mãi du lịch… đến người dân và du khách. Bên cạnh đó cần nghiên cứu xây dựng Trung tâm Điều hành Du lịch Thông minh (IOC) để phối hợp với Trung tâm dữ liệu Lâm Đồng là nơi tổng hợp toàn bộ thông tin, dữ liệu liên quan đến du lịch và chuyên ngành.

Thứ ba, để hướng đến phát triển du lịch thông minh, các Sở, ngành của tỉnh cần sớm hoàn thiện chiến lược phát triển du lịch Lâm Đồng. Trong đó chú trọng đến việc liên kết hợp tác với Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam miền Trung và Tây Nguyên để khai thác tiềm năng du lịch khu vực phía Nam và miền Trung. Cơ quan quản lý cần đưa vấn đề phát triển du lịch thông minh vào chiến lược phát triển du lịch của tỉnh; đồng thời, trong xây dựng giải pháp phát triển du lịch thông minh phải đảm bảo kết nối thông minh, chú trọng liên kết giao thông đô thị, tạo môi trường cho doanh nghiệp hợp tác và cơ quan Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp… Để du lịch thông minh phát triển mạnh cần có những chính sách quản lý thiết thực và hiệu quả từ chính quyền địa phương. Ngoài ra trong quản lý vận hành điểm đến du lịch thông minh, cần phải xác định rõ bốn chủ thể của du lịch thông minh là: Các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, du khách và người tham gia làm du lịch. Mỗi chủ thể trên cũng phải là chủ thể thông minh. Hệ sinh thái du lịch thông minh là sự hợp lực thông minh của cả bốn chủ thể.

Thứ tư, để đạt mục tiêu trở thành điểm đến du lịch thông minh, quá trình thực hiện cần tổ chức khảo sát, kiểm kê, đánh giá các tài nguyên du lịch cũ và mới trên địa bàn tỉnh; qua đó xây dựng hệ thống bản đồ thông tin địa lý (GIS) về cơ sở dữ liệu thông minh tài nguyên du lịch. Tổ chức ký kết với các tập đoàn, công ty kỹ thuật công nghiệp lớn để thực hiện Dự án Du lịch thông minh tại Lâm Đồng nhằm đưa ra ứng dụng du lịch một cách rộng rãi trên các phương tiện cá nhân du khách như điện thoại thông minh, máy tính… với mục tiêu xây dựng ứng dụng giúp du khách có thông tin nhanh chóng, chính xác các điểm đến, lịch trình, địa điểm mua sắm và ăn uống, nhà hàng, khách sạn, thông tin đường dây nóng của cơ quan quản lý khi cần… Ứng dụng được phát triển trên 02 nền tảng Android và iOS, gồm tiếng Anh, tiếng Việt và có thể phát triển thêm các ngôn ngữ khác.

Thứ năm, Thu thập dữ liệu về hiện trạng và những dự báo phát triển trong ngắn hạn, dài hạn của ngành du lịch. Tăng hiệu quả quản lý ngành du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, điều hành toàn diện hoạt động du lịch trên địa bàn, quản lý thông tin lưu trú của khách du lịch và khách lưu trú. Sẵn sàng ghi nhận các phản ảnh góp ý, đánh giá sự hài lòng của người dân trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, các thông tin (sự kiện, lễ hội, điểm du lịch…) cần được giám sát tính trung thực về nội dung trước khi đăng tải. Qua đó, chính quyền có thể quảng bá thông tin về tài nguyên du lịch một cách chính thống đến người dân, tạo sự tin tưởng, yên tâm và đảm bảo cho du khách khi tới tham quan.

Thứ sáu, theo các chuyên gia, du lịch thông minh đang trở thành một tiêu chí phát triển, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc ứng dụng du lịch thông minh không chỉ cho du khách mà cả người dân địa phương cũng được hưởng lợi. Do đó trong quá trình thực hiện, cần có sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý địa phương điểm đến. Điều đầu tiên là thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu từ du khách như cách mà các thành phố lớn trên thế giới đã làm từ nhiều năm qua. Nên huy động các doanh nghiệp đóng góp sáng kiến để làm du lịch thông minh, bởi chính các doanh nghiệp mới có dữ liệu từ khách hàng. Khuyến khích để doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ trên tinh thần cùng hưởng lợi. Điều quan trọng không kém là làm du lịch cần quan tâm đến lợi ích của người dân địa phương khi phát triển du lịch cũng phải để người dân được hưởng lợi./.   

 

       Tài liệu tham khảo

  1. Benckendorff, P., Moscardo, G. and Murphy, L. (2005), High tech versus high touch: Visitor responses to the use of technology in tourist attractions, Tourism Recreation Research, 30(3), 37–47.
  2. Boes, K., Buhalis, D., Inversini, A. (2016), Smart tourism destinations: ecosystems for tourism destination competitiveness, International Journal of Tourism Cities, 2(2), 108–124.
  3. Boes, K., Buhalis, D., & Inversini, A. (2015). Conceptualising smart tourism destination dimensions. In I. Tussyadiah, & A. Inversini (Eds.), Information and communication technologies in tourism 2015 (pp. 391–403). Cham: Springer. doi:10.1016/S0160-7383(01)00012-3.
  4. Buhalis, D. (2003). Etourism: Information technology for strategic tourism management. Harlow:Pearson Education.
  5. Buhalis, D., & Amaranggana, A. (2014). Smart tourism destinations. In Z. Xiang, & I. Tussyadiah (Eds.), Information and communication technologies in tourism 2014 (pp. 553–564). Cham: Springer. doi:10.1007/978-3-319-03973-2.
  6. Neuhofer, B., Buhalis, D., & Ladkin, A. (2012). Conceptualising technology enhanced destination experiences. Journal of Destination Marketing and Management, 1(1–2), 36–46. doi:10.1016/j.jdmm.2012.08.001
  7.  Neuhofer, B., Buhalis, D., & Ladkin, A. (2015). Smart technologies for personalized experiences: A case study in the hospitality domain. Electronic Markets, 25, 243–254. doi:10.1007/s12525-015-0182.
  8. Pam Lee , William Cannon Hunter, Namho Chung (2019). Smart Tourism City: Developments and Transformations.A paper, Published: 12 May 2020. http://www.mdpi.com/journal/sustainability.
  9. Tổng cục Du lịch (2018), “Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động tới du lịch Việt Nam”,Hội thảo khoa học.
  10. Wang, D., Li, X., Li, Y. (2016), China's “smart tourism destination” initiative: A taste of the service-dominant logic, Journal of Destination Marketing & Management, 2(2), 59–61.
  11. Lê Hoa, “Du lịch Lâm Đồng ứng phó với COVID-19”, đăng ngày 3 tháng 4 năm 2020, truy cập tại trang web http://www.dalat-info.vn/vn/du-lich/du-lich-lam-dong-ung-pho-voi-covid-19-41335.phtml
  12. Lê Thanh, “Lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng”, 2/08/2016, truy cập tại trang web http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/loi-the-va-tiem-nang-phat-trien-du-lich-cua-tinh-lam-dong-110896.html
  13. Long Châu, “Lâm Đồng - chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch”, 7-10-2020, truy cập tại trang web http://www.dalat-info.vn/vn/thang-10-2020/lam-dong--chu-trong-phat-trien-cac-san-pham-du-lich-42733.phtml
  14. Nguyên Vũ, “Liên kết phát triển du lịch Lâm Đồng với các địa phương”, 30/09/2019, truy cập tại trang web https://dulich.petrotimes.vn/lien-ket-phat-trien-du-lich-lam-dong-voi-cac-dia-phuong-550860.html
  15. Nhật Quân, “Doanh nghiệp du lịch mong gì sau đại dịch COVID-19”, đăng trên Báo điện tử Lâm Đồng, ngày 14 tháng 05 năm 2020,truy cập tại trang web http://baolamdong.vn/dulich/202005/doanh-nghiep-du-lich-mong-gi-sau-dai-dich-covid-19-3003456/index.htm
  16. Thanh Dương Hồng, “Lâm Đồng cần bổ sung nhân lực du lịch chuyên nghiệp”, đăng ngày 8 tháng 10 năm 2018, truy cập tại trang web http://baodulich.net.vn/Lam-Dong-can-bo-sung-nhan-luc-du-lich-chuyen-nghiep-2404-16860.html
  17. Tổng cục du lịch Lâm Đồng, “Thành tựu nổi bật về du lịch Lâm Đồng”, đăng ngày 14 tháng 10 năm 2020, truy cập tại trang web  http://www.dulichvn.org.vn/index.php/item/thanh-tuu-noi-bat-ve-phat-trien-du-lich-lam-dong-43409

 

 

Tin liên quan