MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG DU LỊCH NÔNG NGHIỆP TẠI TỈNH LÂM ĐỒNG
Nguyễn Trọng Nhân
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta nêu rõ, phải “xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Lâm Đồng là một tỉnh vùng cao với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, thì phát triển việc áp dụng mô mình kinh tế tuần hoàn là vô cùng cần thiết. Bài viết mô tả tổng quan về kinh tế tuần hoàn, chỉ ra nhưng tiềm năng, thuận lợi và khó khăn để phát triển kinh tế tuần hoàn trong du lịch nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng, từ đó đưa ra nhưng khuyến nghị giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong du lịch nông nghiệp tại Lâm Đồng.
1. Tổng quan về kinh tế tuần hoàn và những nguyên tắc vận hành của kinh tế tuần hoàn
Theo quỹ Ellen MacArthur Foundation định nghĩa, thì: “kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”. Hay theo Viện tiêu chuẩn Anh quốc (BSI): “Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất. Hoạt động này đã được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn”.
Mục đích của kinh tế tuần hoàn là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, tăng năng suất của các tài nguyên. Tất cả các “phế thải” của một quy trình sản xuất tiêu dùng đều nên được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm phụ hay tài nguyên được thu hồi từ một quy trình công nghiệp khác hay tài nguyên được tái sinh cho môi trường tự nhiên. Cách tiếp cận này là tương phản với mô hình mô hình kinh tế tuyến tính đang được phổ biến rộng rãi.
Như vậy, về cơ bản có thể hiểu, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật liệu trong sản xuất - tiêu dùng. Đồng thời, chú trọng loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Điều này, được xác định qua 3 mục tiêu là: (i) ứng phó với sự cạn kiệt của tư liệu sản xuất đầu vào; (ii) khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra; và (iii) kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Để đạt được mục tiêu này, kinh tế tuần hoàn vận hành theo những nguyên tắc cơ bản sau:
Một là, thiết kế sản phẩm để tái sử dụng nhiều lần. Vấn đề rác thải sẽ được khắc phục tối đa, các thành phần sinh hóa trong sản phẩm được thiết kế sao cho có thể đưa chúng vào tái sử dụng trong một chu trình mới.
Hai là, ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái sinh. Theo đó, để giảm tải những tổn thất về sản phẩm (bằng cách tái chế nâng cấp), cần phải sử dụng thêm năng lượng. Có hai nguồn năng lượng chính luôn có sẵn là: năng lượng (năng lượng tái chế) và sức lao động. Chỉ có thể đáp ứng được các điều kiện của một nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái chế.
Ba là, đề cao tư duy hệ thống. Tư duy hệ thống tập trung vào các hệ thống phi tuyến tính, đặc biệt là các vòng lặp phản hồi, có sự kết hợp giữa các nhân tố môi trường phi bền vững với sự phản hồi trước các nhân tố đó thường mang lại những kết quả khó dự đoán trước. Tại nhiều cấp độ và quy mô khác nhau trong nền kinh tế tuần hoàn, các hệ thống hoạt động trong đó tác động lẫn nhau, từ đó xuất hiện những mối quan hệ phụ thuộc và tạo nên những vòng lặp phản hồi giúp củng cố cho tính linh động của nền kinh tế tuần hoàn.
Bốn là, ưu tiên những hệ thống có tính kết nối cao. Các hệ thống có sự kết nối nội bộ đa dạng thường có sức chống chịu cao và linh động trước những tác động bất ngờ từ ngoại cảnh. Xây dựng đa dạng về các loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và hệ thống sản xuất, đồng thời các mạng lưới kinh doanh cũng phải có những mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, cũng như với nhiều nhà cung cấp và khách hàng khác nhau.
Năm là, ưu tiên cho công nghệ sinh học. Hàng hóa tiêu dùng được tạo nên từ các nguyên liệu sinh học và quá trình sử dụng chúng diễn ra dựa trên quy tắc “phân tầng”: các thành phần sinh học này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trước khi quay trở về các chu trình sinh quyển.
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được xác định là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ, phế phẩm trong sản xuất, bảo vệ môi trường.
2. Tiềm năng du lịch nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng
Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, đem lại hiệu quả cao về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, đã trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội mang tính toàn cầu và là nhu cầu cần thiết, phổ biến của mọi người.
Du lịch ban đầu chỉ được hiểu là đi khỏi nơi cư trú thường xuyên nhằm thực hiện một công việc nào đó. Theo tiếng Hy Lạp, du lịch gọi là “Tonos” có nghĩa là đi một vòng; hay “Tour” (theo tiếng Pháp) có nghĩa là đi vòng quanh, cuộc dạo chơi; “Tourism” (theo tiếng Anh) xuất hiện khoảng năm 1800 và được sử dụng phổ biến ngày nay. Ở Việt Nam, thuật ngữ du lịch được phiên âm theo tiếng Hán, trong đó du có nghĩa là đi chơi, lịch có nghĩa là sự từng trải. Như vậy, nhìn chung về nguồn gốc của thuật ngữ này đều cùng nói đến cuộc hành trình đi một vòng, từ một nơi này đến một nơi khác và có quay trở lại.
Theo Luật Du lịch năm 2017, tại khoản 1, Điều 3: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu,khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.
Du lịch nông nghiệp có thể được hiểu là một loại hình du lịch phục vụ du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp với mục tiêu giải trí hoặc giáo dục. Khách du lịch nông nghiệp sẽ được trải nghiệm các hoạt động như tham quan trang trại nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp, thu hoạch trái cây hoặc rau, tìm hiểu về động thực vật hoặc tham gia quá trình sản xuất nông nghiệp. Theo các chuyên gia, du lịch nông nghiệp phải đảm bảo được 04 yếu tố, đó là: kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động nông nghiệp; phát triển để gia tăng thu nhập cho người làm nông nghiệp; và mang đến trải nghiệm giải trí hoặc giáo dục cho du khách.
Dựa vào các hoạt động chính mà du khách trải nghiệm, du lịch nông nghiệp có thể được chia thành 03 phân khúc chính đó là:
* Kinh doanh nông sản (Direct-market agritourism)
Kinh doanh nông sản là hoạt động bày bán các sản phẩm nông nghiệp trực tiếp cho du khách ngay tại trang trại, các cửa hàng nông sản hoặc tại chợ địa phương khi có nhiều du khách thích lối sống ở vùng nông thôn và muốn tìm mua các sản phẩm nông nghiệp ngay tại trang trại. Hoạt động buôn bán trực tiếp này rất tiện lợi cho cả du khách và các chủ trang trại, đồng thời còn giúp gia tăng thu nhập cho nông dân, vì vậy, hầu hết tại các trang trại đều triển khai hoạt động bày bán trực tiếp này để có thể cung cấp những nông sản tươi ngon nhất cho người tiêu dùng. Theo số liệu của Fortune Business Insights, phân khúc direct-market này chiếm đến 36,06% thị phần du lịch nông nghiệp trong năm 2019.
* Trải nghiệm và Giáo dục (Experience and Education Agritourism)
Loại hình du lịch nông nghiệp này nhằm mang lại kiến thức cho du khách về nông nghiệp, truyền thống canh tác của vùng nông thôn, quá trình sản xuất và phân phối nông sản, nâng cao nhận thức về sử dụng thực phẩm lành mạnh và bảo tồn môi trường. Du khách tham gia loại hình du lịch nông nghiệp này có thể trải nghiệm các hoạt động thực tế như học cách trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản hoặc tham quan trang trại. Loại hình Trải nghiệm và Giáo dục đặc biệt phù hợp với các nhóm trẻ em, học sinh, sinh viên bởi tính giáo dục và kiến thức mà loại hình này mang lại. Ví dụ, Hidden Villa, một trang trại nuôi trồng ở bang California nước Mỹ, mỗi năm chào đón khoảng 20.000 du khách tham quan các trang trại rau hữu cơ, các trại chăn nuôi và 30.000 lượt khách tham gia các chương trình trải nghiệm và giáo dục nông nghiệp như vắt sữa bò, làm vườn, học hỏi kiến thức về thực phẩm...
* Sự kiện và Giải trí (Event and Recreation Agritourism)
Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, nằm trên ba cao nguyên Lâm Viên - Di Linh - Bảo Lộc, ở độ cao trung bình từ 800m - 1.500m so với mực nước biển; có diện tích tự nhiên 9.773,54km² (lớn thứ 7 cả nước), dân số 1.415.500 người (năm 2020) với 43 dân tộc khác nhau cư trú và sinh sống. Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển du lịch nói chung, trong đó có du lịch nông nghiệp. Theo đó, Lâm Đồng với điều kiện khí hậu ôn hòa và mát mẻ quanh năm, có nhiều cảnh quan thiên nhiên, điểm du lịch nổi tiếng như thành phố Đà Lạt ngàn hoa, với nhiều giống hoa bản địa và ngoại nhập đa dạng, phong phú nở quanh năm; riêng hoa anh đào nở rộ vào mùa xuân tạo nên nét riêng cho thành phố. Diện tích rừng thông rộng lớn hơn 22.000 ha nổi tiếng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang; hàng chục thác nước, hồ lớn có sinh cảnh đẹp (thác Cam Ly, Khu du lịch Dankia - Suối Vàng...); rừng đa dạng sinh học trên 597.000 ha đã hình thành nên vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, Vườn Quốc gia Cát Tiên là danh thắng cảnh cấp quốc gia. Ngoài ra, thành phố Đà Lạt có hàng ngàn dinh thự, biệt điện cổ nổi tiếng cùng với các làng hoa truyền thống đã hình thành nên 35 khu điểm du lịch, 60 điểm tham quan miễn phí, 03 sân golf và Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm với diện tích trên 3.000 ha. Theo thống kê của Hiệp hội du lịch tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có trên 2.500 cơ sở lưu trú du lịch với trên 29.400 phòng; trong đó, có 40 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với trên 3.900 phòng. Có 51 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch; trong đó, có 32 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 19 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa. Trong giai đoạn 2016 - 2019, lượt khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng đều mỗi năm với mức tăng trưởng bình quân là 8,9%; lượt khách lưu trú tăng trưởng bình quân 11,9%; khách quốc tế chiếm 10,1% trong tổng số lượng khách lưu trú. Riêng năm 2019, Lâm Đồng đón trên 7 triệu lượt khách du lịch (Đà Lạt đón gần 6 triệu lượt khách). Cũng trong giai đoạn 2016 - 2019, tổng doanh thu từ khách du lịch của Lâm Đồng đạt 52.164 tỷ đồng, chiếm 2% doanh thu từ hoạt động du lịch của cả nước. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên số lượng khách du lịch đến Lâm Đồng giảm mạnh, chỉ còn 2,658 triệu lượt khách (giảm 53,9% so với cùng kỳ năm 2019); khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đạt 4 triệu lượt khách (giảm 44,1% so với cùng kỳ năm 2019).
Sự kiện và Giải trí là loại hình du lịch nông nghiệp chủ yếu mang đến trải nghiệm giải trí cho du khách thông qua các chuyến tham quan hoặc sự kiện được tổ chức tại trang trại hoặc địa phương. Đây là loại hình được ưa chuộng và chiếm thị phần nhiều nhất trong các loại hình du lịch nông nghiệp. Các hoạt động du khách tham gia thường là câu cá, tham quan vườn táo hoặc đồi chè, hái lá chè, lễ hội thu hoạch... Ngoài ra các lễ hội hoa của những trang trại lớn ở nhiều nước trên thế giới cũng được xếp vào loại hình du lịch nông nghiệp này. Ví dụ, lễ hội hoa hướng dương tại trang trại Hokuryu (Nhật Bản) là một lễ hội nổi tiếng thu hút khoảng 200.000 du khách mỗi năm. Ngoài những cánh đồng hoa hướng dương tuyệt đẹp, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong các ngày lễ hội.
Bên cạnh đó, là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hơn 60.200 ha, chiếm 20% diện tích đất canh tác. Những mô hình nông nghiệp được trồng trong nhà kính, nhà lưới, bằng hệ thống tưới tự động, thông minh, phương thức canh tác thủy canh và nhiều giống cây trồng mới mang tính ưu việt (tổng diện tích gieo trồng của tỉnh trong năm 2020 đạt trên 386.000 ha). Nhiều vùng chuyên canh có quy mô lớn như: rau trên 70.000 ha; hoa trên 9.300 ha; chè trên 12.000 ha, và cà phê trên 174.000 ha; nhiều trang trại rau - hoa kết hợp đã tạo nên lợi thế để Lâm Đồng thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm hoạt động du lịch. Mặt khác, Lâm Đồng còn sở hữu nhiều văn hóa phi vật thể như không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn và các hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo cho địa phương từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với cộng đồng, du lịch lễ hội - sự kiện, du lịch sinh thái, du lịch MICE cho đến du lịch thể thao mạo hiểm.
3. Thuận lợi và khó khăn phát triển kinh tế tuần hoàn trong du lịch nông nghiệp ở Lâm Đồng
* Thuận lợi
Lâm Đồng không chỉ được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên để khai thác tiềm năng du lịch nói chung, mà địa phương này còn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong du lịch nông nghiệp, đó là :
Một là, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp như: Nghị quyết số 07-NQ/TW “về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”; Kế hoạch số 7021/KH-UBND về triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”; Quyết định số 1499/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Những định hướng này, là nền tảng để ngành du lịch Lâm Đồng hướng đến nền du lịch xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, từ năm 2018, Lâm Đồng đã triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh và tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của ngành du lịch; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tổ chức, kinh doanh du lịch; tham gia quản lý, bảo vệ môi trường tự nhiên - xã hội trong hoạt động du lịch.
Mặt khác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch với Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam, Quỹ JeJu Olle và Quỹ Đầu tư xã hội Hàn Quốc để phát triển thị trường và thu hút khách quốc tế đến địa phương. Định kỳ hằng năm, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch và triển khai thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trên thị trường quốc tế.
Hai là, Lâm Đồng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nguồn vốn đầu tư tiếp nước ngoài (FDI) để ứng dụng nhiều thành tựu khoa học - kỹ thuật vào một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như du lịch, nông nghiệp, quản lý đô thị… Theo đó, hiện tỉnh tiếp tục triển khai đầu tư 8 công trình trọng điểm của giai đoạn 2016 - 2020 đó là: Khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng; Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú; Khu Trung tâm Hòa Bình; Dự án cấp, thu gom xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Bảo Lộc; Khu du lịch hồ Đại Ninh; hồ Đông Thanh, hồ Kazam. Đầu tư mới 09 công trình: Khu du lịch Hồ Prenn; Khu Công nghiệp Phú Bình; xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh; Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng; Khu du lịch núi Sa Pung - Bảo Lộc; xây dựng Khu đô thị Liên Khương - Prenn; Khu đô thị Nam sông Đa Nhim, huyện Đức Trọng; hồ Ta Hoét; đầu tư nâng cấp Quốc lộ 27 (đoạn Phi Nôm - cầu K’RôngNỏ), 27C, 28B, 55. Và đẩy mạnh đầu tư vào Trung tâm giao dịch hoa, Trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chợ trung tâm…
Ba là, người dân Lâm Đồng không chỉ có truyền thống cần cù, sáng tạo, có khả năng nhạy bén trong kinh doanh và lao động, sản xuất mà còn thân thiện và hiếu khách. Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp xanh và kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm trong chính các trang trại của mình. Mặt khác, lượng lao động trực tiếp phục vụ ngành du lịch khá cao (đạt khoảng 13.000 lao động) và đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, chuyên môn, ngoại ngữ chiếm khoảng 80% số lao động trực tiếp đã phần nào đáp ứng được yêu cầu trong kinh doanh dịch vụ du lịch nói chung.
Bốn là, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ lẫn đường hàng không, bao gồm các quốc lộ 20, 27, 27C, 28, 55 nối Lâm Đồng với các thành phố như: thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Nha Trang, Gia Nghĩa, Phan Thiết, Buôn Ma Thuột, Phan Rang Tháp Chàm, Cam Ranh, các cụm cảng Thị Vải, Cái Mép, Cam Ranh, Vĩnh Tân (Bình Thuận); và có các tỉnh lộ 721, 722, 723, 724, 725 nối liền Lâm Đồng với các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Về giao thông hàng không có Sân bay quốc tế Liên Khương cách thành phố Đà Lạt 30 km về hướng Nam với các chuyến bay nội địa mỗi ngày tới thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, thành phố Vinh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Phú Quốc; các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và ngược lại. Ngoài ra, còn khai thác các đường bay quốc tế đến Vũ Hán - Trung Quốc; Bangkok - Thái Lan; Seoul - Hàn Quốc; Kualalampua - Malaisia và ngược lại); đây là điều kiện để liên kết và hợp tác phát triển với các tỉnh trong khu vực và một số quốc gia trên thế giới.
Năm là, bên cạnh việc khai thác các loại hình du lịch truyền thống của địa phương (du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch), tỉnh tập trung phát triển các loại hình du lịch mới, như du lịch nông nghiệp, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch MICE… Nhiều cơ sở kinh doanh khu - điểm du lịch, di tích - địa chỉ lịch sử - văn hóa được trùng tu, nâng cấp cơ sở vật chất hoặc đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Nhiều dự án du lịch được đầu tư hiện đại và sang trọng, sản phẩm du lịch độc đáo, cơ bản đáp ứng nhu cầu thăm quan, nghỉ dưỡng của khách du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch Lâm Đồng ngày càng nâng cao cả về số lượng và chất lượng.
* Khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong du lịch nông nghiệp, thì Lâm Đồng còn tồn tại những khó khăn sau:
Thứ nhất, hiện nay những chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn người Việt Nam và ở Lâm Đồng là không nhiều, Việt Nam cũng chưa được đào tạo và chưa có chuyên ngành đào tạo, trong khi để thực hiện kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi giải quyết được từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng tái sử dụng, tái chế chất thải.
Thứ hai, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý, sử dụng đất, hạ tầng du lịch và các nguồn tài nguyên nước, năng lượng và thực phẩm trong hoạt động du lịch nông nghiệp còn thiếu.
Thứ ba, việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở một quy mô cần thiết để đối phó với biến đổi khí hậu và sự khan hiếm tài nguyên thế giới là không hề dễ dàng, nhất là khi những hệ thống và các cơ chế tài chính đã được xây dựng từ lâu để củng cố cho nền kinh tế tuyến tính (dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ tự nhiên để làm ra sản phẩm, sử dụng chúng, rồi vứt bỏ ra môi trường). Việc dỡ bỏ nền kinh tế tuyến tính đòi hỏi sự hiệp lực của chính phủ các nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng và những thành phần khác trong nền kinh tế.
Thứ tư, sự thay đổi sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động mang tính lợi ích cốt lõi của các thành phấn kinh tế, nhất là các ngành sản xuất và công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tạo ra những thay đổi thiết thực. Đối với một số doanh nghiệp, điều đó có nghĩa là phải thay đổi mô hình kinh doanh.
Thứ năm, những khó khăn về vốn cần được tháo gỡ, những doanh nghiệp theo đuổi chiến lược tuần hoàn sẽ phải xây dựng hạ tầng logistics để hỗ trợ cho nền kinh tế ấy, có nghĩa là sẽ phải tìm đến thị trường vốn để tài trợ cho các dự án tuần hoàn của họ.
Thứ sáu, nhà đầu tư trong tỉnh vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn về nền kinh tế tuần hoàn, không phải doanh nghiệp nào cũng thống nhất về định nghĩa cái gọi là mô hình kinh doanh theo kinh tế tuần hoàn, trong khi việc áp dụng các giải pháp ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để sàng lọc các quyết định đầu tư đang trở thành xu hướng chủ đạo, điều này sẽ gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ bảy, tuy chính phủ và địa phương đã có nhiều chính sách về nền kinh tế tuần hoàn để vận dụng vào phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, do khó khăn về công nghệ, thiếu nguồn lực đầu tư cho ngành công nghiệp tái chế nên các chất thải (chất thải rắn và nước thải) từ hoạt động du lịch nông nghiệp đến nay vẫn chưa hình thành liên kết cũng như thị trường của nền kinh tế tuần hoàn.
Thứ tám, Việt Nam cũng như Lâm Đồng chưa có hành lang pháp lý cần thiết để kinh tế tuần hoàn vận hành, nếu không việc thực hiện tốt mặt này thì phát triển kinh tế tuần hoàn cũng chỉ là tự phát và phát sinh tiêu cực là khó tránh khỏi.
Thứ chín, Lâm Đồng cũng chưa có bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, đây là thách thức không nhỏ đối với thực tiễn vận hành của kinh tế Việt Nam.
Thứ mười, ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân còn rất thấp.
4. Một số khuyến nghị giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong du lịch nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng
Du lịch nông nghiệp được xem là một loại hình phát triển du lịch bền vững bởi những lợi ích mà loại hình này mang lại cho ngành du lịch, nông nghiệp và cộng đồng vùng nông thôn. Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp có thể đa dạng hóa các hoạt động thương mại và giải quyết các vấn đề về thiếu thị trường tiêu thụ trong ngành nông nghiệp, tạo ra việc làm tại các vùng nông thôn và gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cho nông dân dưới nhiều hình thức thương mại khác nhau. Hơn nữa, du lịch nông nghiệp cũng kích thích các doanh nghiệp tại địa phương được thành lập và tham gia vào hoạt động phân phối sản phẩm nông nghiệp. Để phát triển kinh tế tuần hoàn trong du lịch nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng, cần xây dựng và thực hiện những giải pháp sau:
Một là, kiến nghị nhà nước cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan tới thu gom, vận chuyển và tái sử dụng “rác thải”. Tỉnh tăng cường tuyên truyền sâu rộng về chất lượng và hiệu quả sử dụng vật liệu, phát triển thị trường vật liệu vật liệu từ “rác thải”... Mặt khác, cần có ưu đãi các doanh nghiệp xử lý, tiêu thụ “rác thải”.
Hai là, xây dựng chính sách nhằm cụ thể đến các thành phần kinh tế, nhất là thành phần kinh tế tư nhân vận hành các mô hình kinh tế tuần hoàn trong du lịch nông nghiệp. Khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh sẽ có nhiều cơ hội cho đầu tư của khu vực tư nhân vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn.
Ba là, Lâm Đồng có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong nước, các chuyên gia các nước đi trước đã thành công với mô hình kinh tế tuần hoàn như: Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Ca-na-đa, Nhật Bản, Trung Quốc, Xin-ga-po....
Bốn là, xây dựng, thực thi cơ chế chính sách ưu tiên phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải, chất thải phải là nguồn tài nguyên.
Năm là, xem trọng đổi mới công nghệ là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong tỉnh, gắn kinh tế tuần hoàn trong du lịch nông nghiệp với phát triển công nghệ, kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Sáu là, ưu tiên giảm thiểu chất thải nhựa và túi nilon phát thải ra môi trường, giải quyết triệt để vấn nạn rác thải. Đặc biệt cần nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn.
Bảy là, đẩy mạnh giao lưu hợp tác với các tỉnh trong nước và nước ngoài để tiếp thu kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ mới nhất phục vụ cho quá trình chuyển đổi kinh tế trong nước từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.
Tám là, cung cấp đầy đủ thông tin, kỹ thuật, cách thức phân loại các loại “rác thải” tại nguồn cho nhân dân trong tỉnh.
Chín là, nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và nhân dân trong tỉnh về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong quá trình hoạt động kinh tế tuần hoàn.
Mười là, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ trong tỉnh trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn./.
Tài liệu tham khảo
Online: 11
Ngày: 630Tháng: 7051
Tổng: 746366