THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG KHOA HỌC KỸ THUẬT NHẰM GÓP PHẦN
NÂNG CAO NĂNG SUẤT TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là xu hướng tất yếu cho việc phát triển ngành nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả. Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã góp phần đưa ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh theo hướng hiện đại và bền vững, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân; bên cạnh các giải pháp về mặt quản lý, chỉ đạo, những giải pháp về mặt khoa học và công nghệ đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
1. Thực trạng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh
Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐH, ngày 03 tháng 11 năm 2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 20205 về phát triển công nghiệp ở tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và được các Doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh đồng tình, hưởng ứng. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong toàn tỉnh. Tỉnh đã quy hoạch được 18 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 4.000 ha, cùng với các loại cây trồng chủ lực như chè, cà phê, rau, hoa. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng phát triển quy mô 62.000 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao (chiếm hơn 20% diện tích canh tác), nhiều mô hình đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/ha/năm; nông nghiệp áp dụng công nghệ thông minh khoảng 50 ha rau thủy canh, 195 ha cây trồng ứng dụng công nghệ cảm biến tự động về nhiệt độ, độ ẩm, thu nhập bình quân hơn 440 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, mỗi huyện, thành phố của tỉnh tiếp tục triển khai ít nhất 01 mô hình ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.
Toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp được công nhận là “Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 175 chuỗi liên kết, với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 17 nghìn hộ nông dân. Mặt khác, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, về lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất giống: toàn tỉnh có 50 cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống với sản lượng gần 30 triệu cây giống cấy mô các loại mỗi năm, cung cấp khoảng 200 cơ sở gieo ươm, sản xuất trên 2 tỷ cây giống rau, hoa mỗi năm; với việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất giống, chất lượng cây giống sản xuất ngày càng được nâng cao, tỷ lệ cây xuất vườn đã được cải thiện đáng kể.
Về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất: toàn tỉnh hiện đã có trên 50% diện tích canh tác rau, hoa được ứng dụng công nghệ cao, 25% diện tích chè được ứng dụng giống chất lượng cao; 11% diện tích cà phê được chuyển đổi sang giống mới có năng suất, chất lượng cao. Các công nghệ áp dụng chủ yếu kỹ thuật canh tác trong nhà kính, nhà lưới, tưới tiết kiệm, quản lý dinh dưỡng và ánh sáng tự động; áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; đồng thời đã phát triển được nhiều vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nông nghiệp thông minh, về cảnh quan môi trường, về sản xuất nông sản an toàn và các khâu liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Về công tác chuyển giao khoa học và công nghệ: nhiều chương trình nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được tăng cường triển khai: mô hình sản xuất thử nghiệm, nhập nội giống mới; mô hình nghiên cứu lai tạo, chọn tạo các giống cây trồng phục vụ sản xuất; xây dựng các quy trình kỹ thuật, biện pháp canh tác phù hợp với từng loại cây trồng và từng vùng sinh thái; các phương pháp phòng chống dịch bệnh… để chuyển giao cho nông dân.
2. Khó khăn của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Khả năng cạnh tranh, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho công nghiệp còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp có quy mô nhỏ, chiếm nhiều quỹ đất nhưng tỷ lệ đóng góp cho phát triển công nghiệp vẫn còn hạn chế; kinh tế - xã hội diễn ra trong bối cảnh tình hình thị trường trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi theo hướng tăng trưởng chậm lại.
Sản xuất nông nghiệp trong tỉnh phải đối mặt không ít khó khăn với việc biến đổi khí hậu, hạn hán đến sớm làm cho các nhà máy thủy điện không đủ nước để phát điện dẫn đến sản lượng điện thấp, đặc biệt là ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất của các ngành kinh tế và đời sống nhân dân; nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp tạm ngừng hoạt động, hoặc sản xuất cầm chừng… kéo theo nhu cầu về lao động sụt giảm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp; tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước gặp khó khăn.
Kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ còn thấp, chưa thực sự thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Công tác sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm tiến hành riêng lẻ ở quy mô hộ gia đình còn mang tính tự phát, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa bốn nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông, chưa được sử dụng công nghệ hỗ trợ, vì vậy năng suất và chất lượng thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Bên cạnh đó, còn thiếu những kỹ thuật viên, cộng tác viên, chuyên gia có trình độ khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm để hướng dẫn người dân trong thực hành, ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.
3. Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp về vai trò và nội dung chính sách công nghiệp quốc gia trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xác định việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia là một trong những nội dung lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất tiên tiến, thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm thông minh.
Tiếp tục nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nhân lực công nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đồng thời triển khai nhiều giải pháp: tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật; hoàn thiện các quy trình trồng và chăm sóc theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các biện pháp thâm canh cây trồng, nuôi dưỡng gia súc, nuôi trồng thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ xây dựng và quản lý thủy lợi tiên tiến.
Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường công tác chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, có tiêu chí riêng và cụ thể cho từng vùng, từng loại và giống cây trồng. Tiến hành so sánh, áp dụng khoa học công nghệ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, tập trung phát triển với quy mô hợp lý các loại cây đã có lợi thế: cà phê, chè, rau, hoa… Chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thực tiễn quá trình canh tác và chế biến; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Cần tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân, tập trung vào việc phổ biến hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ sản xuất mới theo hướng VietGAP nhằm nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa của địa phương. Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, giảm thiệt hại do sâu bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm trồng trọt; thường xuyên khuyến cáo nông dân sử dụng cơ cấu giống hợp lý; thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, thông tin kịp thời cho nông dân.
Tăng cường xây dựng nhiều mô hình trình diễn, đẩy mạnh công tác chuyển giao giống và công nghệ nuôi trồng thủy sản; chuyển đổi một số diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn mới, cần thường xuyên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho các sản phẩm rau, hoa, chè, cà phê… Đầu tư trang thiết bị, quy trình kỹ thuật, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tiếp tục phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có trên 72.700 ha ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1.000 ha ứng dụng công nghệ thông minh; ưu tiên hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ mới (ứng dụng công nghệ thông minh trong phân loại các sản phẩm nông nghiệp, trong vận chuyển, bảo quản nông sản); tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ.
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã và đang tạo ra nhựng bước đột phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của quá trình sản xuất nông nghiệp, là một trong những nguồn động lực quan trọng để thực hiện và hoàn thành tốt chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; tỉnh cần tiếp tục ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương; đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới./.
Online: 3
Ngày: 175Tháng: 8953
Tổng: 709536