HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP
ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN 2030
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển, chuyển giao khoa học và công nghệ; bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại của các nước trên thế giới góp phần đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng các sản phẩm được tạo ra, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của Nghị quyết tỉnh Đảng bộ giai đoạn 2016 - 2020 đề ra.
I. Một số kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020
Khoa học và công nghệ (KH&CN) bám sát mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, đã xác định các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất. Giai đoạn 2016 - 2020, nghiên cứu thực hiện 36 đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp nhà nước. Chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại, ứng dụng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho các tổ chức, doanh nghiệp; hỗ trợ đăng ký và cấp nhãn hiệu cho 23 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh. Các chính sách thúc đẩy hỗ trợ, phát triển về doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa được quan tâm thực hiện, đặc biệt là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tiềm lực KH&CN được tăng cường; đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đã bám sát các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển đổi, tái cơ cấu quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó, có nhiều nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ đã góp phần phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cụ thể như sau:
1. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ
Ưu tiên hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN gắn với phát triển các sản phẩm của làng nghề đã giúp bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nguời dân nhằm vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa mở hướng đi mới bền vững cho các làng nghề truyền thống ở địa phương thông qua đề tài “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển bền vững ngành trồng dâu nuôi tằm tại huyện Ðạ Tẻh, tỉnh Lâm Ðồng”; “Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại tỉnh Lâm Ðồng”; “Du lịch canh nông kết hợp trải nghiệm văn hóa Châu Mạ tại Bảo Lộc”; “Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng”; “Giải pháp phát triển tín dụng ngân hàng thương mại góp phần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng”. Đề tài đã đưa ra các giải pháp hữu ích góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung, có sự khác biệt chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn khi áp dụng tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
Ðối tượng cây duợc liệu tại Lâm Ðồng đã và đang được tập trung triển khai nghiên cứu và phát triển thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường như: sản xuất cao khô từ lá dâu tằm; sản xuất trà dược liệu túi lọc từ cây lan gấm, lá húng chanh; quy trình nhân giống và nuôi trồng cây Sói rừng dùng làm dược liệu; trồng, nhân giống và sản xuất trà túi lọc từ cây trà hoa vàng.
Trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được đánh giá toàn diện theo các chỉ số T (Technoware), H (Humanware), I (Infoware), O (Orgaware) cho từng lĩnh vực chế biến thông qua đề tài nghiên cứu cùng tên. Nghiên cứu cũng đã xác định các nhóm giải pháp, đề xuất các định hướng nhằm nâng cao trình độ và năng lực công nghệ sản xuất cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến nông sản giai đoạn 2021 - 2025.
Hỗ trợ 01 doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nếp quýt Đạ Tẻh.
Phối hợp triển khai thực hiện Đề án xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp.
2. Hỗ trợ về hoạt động kết nối, tư vấn doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Giai đoạn 2016 - 2020, Sở KH&CN đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp tham gia sự kiện “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ”; “Techdemo - Kết nối cung cầu công nghệ và xúc tiến đầu tư”; “Kết nối ý tưởng”. Qua đó đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trình diễn, giới thiệu các sản phẩm mới; kết nối cung và cầu công nghệ với các đối tác trong nước và nước ngoài phục vụ ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ.
Năm 2018, UBND tỉnh đã tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp với 17 ý tưởng, doanh nghiệp khởi nghiệp với sự tham dự của 418 doanh nghiệp, nhà đầu tư, các sinh viên, thanh niên và các cơ quan Nhà nước có liên quan. Ðã có 66 thỏa thuận được các doanh nghiệp ký kết với các nhà khởi nghiệp, trong đó có 07 thỏa thuận đề nghị mua lại 03 dự án, 39 thỏa thuận đề nghị góp vốn đầu tư, 20 thỏa thuận đề nghị bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kết nối thương mại. Tổng giá trị đầu tư, hợp tác đầu tư cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các hoạt động kết nối trong năm 2018 là 28,5 tỷ đồng.
Tại Hội thảo kết nối đầu tư và tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Lâm Ðồng năm 2020 đã diễn ra các hoạt động phổ biến các cơ chế của tỉnh liên quan đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp của tỉnh; trao đổi hai chiều giữa nhu cầu của các doanh nghiệp của tỉnh và các ý tuởng dự án khởi nghiệp, tạo sự gặp nhau giữa bên cần và bên có. Ðã thực hiện 55 luợt tư vấn về khởi nghiệp, qua đó có 30 luợt kết nối giữa các nhà đầu tư và các dự án khởi nghiệp; kết nối giữa các doanh nghiệp và các dự án khởi nghiệp; kết nối các dự án khởi nghiệp, trong đó có 20 lượt ý tưởng, dự án đã được ký thỏa thuận.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021, trong đó: Sở KH&CN đã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng và trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp trên nền tảng thực tế ảo; cuộc thi đã thu hút 170 dự án, ý tưởng tham gia; kết quả có 14 ý tưởng, dự án đã đạt giải và thu hút trên 15.000 lượt cá nhân tham gia. Tổ chức hội thảo thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thông qua hội thảo đã bàn về những cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ký kết hợp tác giữa các đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
3. Hỗ trợ về sở hữu trí tuệ
Phối hợp triển khai Kế hoạch thực hiện hành động quảng bá thương hiệu “Ðà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”: Tham mưu UBND tỉnh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Ðà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” sử dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức, cá nhân sản xuất rau, hoa, cà phê Arabica, du lịch canh nông trên địa bàn. Ðến nay, thành phố Ðà Lạt đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Ðà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 420 tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Ðà Lạt và các huyện phụ cận; tổ chức 04 lớp tập huấn “Quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Ðà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” và “Huớng dẫn và áp dụng nhãn hiệu chứng nhận “Ðà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng thế mạnh: Hỗ trợ các địa phương (chủ nhãn hiệu) thực hiện các hoạt động đăng ký xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể. Thông qua việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đã góp phần tăng sản luợng tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh trong khâu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức 10 lớp tập huấn, hội nghị về sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao nhận thức về hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ, công tác quản trị tài sản trí tuệ và điều kiện thực hiện việc quản trị; khai thác quyền sở hữu trí tuệ và biện pháp bảo vệ quyền.
Hướng dẫn gần 1.000 luợt cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân về tài sản trí tuệ, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập.
4. Đánh giá chung
Nhìn chung, trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc triển khai các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH&CN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Các kết quả đạt được đã góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của tỉnh.
Hoạt động hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã đã được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kịp thời, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại sau:
- Việc triển khai còn gặp nhiều hạn chế do hệ thống pháp luật về KH&CN đang dần hoàn thiện, các văn bản hướng dẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, việc thanh, quyết toán kinh phí còn phức tạp.
- Doanh nghiệp của tỉnh đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Trình độ quản lý, sản xuất còn lạc hậu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ còn nhiều hạn chế, sản xuất nhỏ lẻ, sức cạnh tranh sản phẩm chưa cao, một số ngành nghề truyền thống thiếu bền vững, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở còn thấp.
- Hoạt động kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất và cơ quan nghiên cứu KH&CN trong tỉnh chưa nhiều, chưa tạo lập và phát triển được thị trường KH&CN một cách ổn định, bền vững.
- Chính sách, thủ tục hỗ trợ lãi suất vay vốn từ các quỹ, ngân hàng phục vụ đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp đối với các địa phương còn nhiều bất cập.
II. Giải pháp và định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
1. Một số giải pháp
- Nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong điều kiện nguồn vốn ngân sách của địa phương còn hạn chế, cần tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, nguồn huy động thông qua hoạt động xã hội hóa trên một số lĩnh vực và đặc biệt là quan tâm hỗ trợ thúc đẩy phát triển các nghiên cứu và ứng dụng KH&CN tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động trong một số ngành, nghề, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
- Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, sử dụng các nguyên liệu thế mạnh tại địa phương. Khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, tiến hành hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa sản xuất trên địa bàn huyện, thành phố; chú trọng phát triển khoa học công nghệ theo hướng mua sắm thiết bị máy móc phải là thiết bị máy móc của dây chuyền công nghệ mới, công nghệ tiên tiến.
- Tăng cường công tác thẩm tra, thẩm định theo thẩm quyền về công nghệ, ưu tiên lựa chọn công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường; hạn chế, tiến tới loại bỏ các công nghệ lạc hậu, công nghệ cũ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; đặc biệt chú trọng công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
- Tập trung xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp KH&CN; hỗ trợ các doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ, thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ; phát triển và ứng dụng công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, ISO 22000, HACCP, ISO 14001, ISO 50001, GlobalGap, sản xuất hữu cơ USDA… và các công cụ nâng cao năng suất như 5S, Lean, quản lý dòng chảy nguyên liệu MFCA…; hỗ trợ doanh nghiệp về hoạt động quản lý đo lường để đảm bảo tính chính xác của các phương tiện đo; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, thương mại, thương mại điện tử, chuyển đổi số; phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia, tạo thuận lợi trong quá trình thông quan khi xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa.
- Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các sự kiện kết nối cung - cầu. Quan tâm xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề.
2. Định hướng đến năm 2025, tầm nhìm đến năm 2030
Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng năm 2030 như sau:
- Triển khai kế hoạch thực hiện “Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
- Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
- Triển khai Kế hoạch “Thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
- Triển khai kế hoạch thực hiện “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025”.
- Triển khai kế hoạch thực hiện “Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
- Thực hiện đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”./.
Online: 8
Ngày: 8Tháng: 8935
Tổng: 771685