VIỆC ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TẠI TỈNH LÂM ĐỒNG
ThS. Đào Thị Hiếu
Giảng viên Trường Đại học Đà Lạt
Tóm tắt: Trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Lâm Đồng đã có những nỗ lực rất lớn trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Phần lớn người lao động sau khi đào tạo xong đã có được việc làm ổn định, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Người lao động đã được tuyển dụng vào trong các doanh nghiệp, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và có nhiều người lao động tích cực chủ động tự tạo việc làm nhờ có kiến thức, kỹ năng thông qua quá trình đào tạo nghề. Điều đó đã làm cho bức tranh phát triển về kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng có sự thay đổi, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Từ khóa: Lao động, thị trường lao động, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Khi muốn phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực hơn nữa. Người lao động sẽ được trải qua quá trình đào tạo về kiến thức, kỹ năng và rèn luyện thái độ để đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Với mục tiêu phát triển vùng nông thôn một cách toàn diện, ngày 27 tháng 11 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Trên cơ sở đó, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hoạt động đào tạo nguồn nhân lực phát triển khu vực nông thôn trong đó bao gồm cả về lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đối với tỉnh Lâm Đồng đã xác định rằng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội nên đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 10 tháng 05 năm 2011 để cụ thể hóa các hoạt động phát triển về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, việc đào tạo nguồn lực thông qua Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã có nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt là trong giai đoạn 2010 - 2015. Phần lớn người lao động sau khi trải qua quá trình đào tạo đã có việc làm ổn định, thu nhập cao và đặc biệt là có cơ hội phát huy những nghề mà bản thân họ yêu thích. Đối với các nghề dệt may, công nghệ ô tô, cơ khí, công nghệ thông tin, thủ công mỹ nghệ thì tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo rất cao. Điều này không chỉ cải thiện sinh kế của các hộ gia đình mà còn góp phần trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể là: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7-8% trong đó khu vực nông lâm thủy tăng 4,5–5%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,5-11%; khu vực dịch vụ tăng 8–9%. Về cơ cấu kinh tế: đến năm 2025, khu vực nông lâm thủy chiếm tỷ lệ 35–36,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ 22–23,5%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ 42-43,5%. Như vậy, việc tập trung đào tạo nguồn lực để đạt được mục tiêu trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là rất cần thiết. Trong các yếu tố để phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp, của nền kinh tế thì nguồn nhân lực con người là yếu tố cơ bản nhất. Bởi lẽ khi đã có trình độ văn hóa kỹ thuật, nghiệp vụ cao, tay nghề vững sẽ là một yếu tố quyết định để tạo ra phương pháp công nghệ hiện đại. Nguồn nhân lực này vừa là người sáng tạo, vừa là người sử dụng các phương tiện, phương pháp công nghệ để đạt được lợi ích kinh tế cao nhất cho xã hội, cho doanh nghiệp và chính bản thân họ.
Trong bài viết “Việc đào tạo nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng” tác giả sẽ tập trung phân tích về thực trạng đào tạo nguồn nhân lực và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.
2. Số liệu và phương pháp
Phương pháp sử dụng trong bài viết này là phân tích tài liệu thứ cấp. Số liệu trong bài viết là từ nguồn dữ liệu về phần đào tạo nguồn nhân lực trong Báo cáo Tổng kết Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định số 1956/QĐ-TTG ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng phương pháp so sánh nhằm làm rõ bức tranh về hoạt động đào tạo nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng.
3. Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng
Về hoạt động công nghiệp, tỉnh Lâm Đồng phổ biến với các ngành khai khoáng (khai thác cát, đá, sỏi, cao lanh…); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Chính vì vậy, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ hoạt động phát triển ngành công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ xoay quanh việc đáp ứng nhu cầu lao động trong những ngành đó.
Để triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định số 1956/QĐ-TTG, tỉnh đã tổ chức hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu. Đồng thời, tỉnh đã triển khai việc điều tra nhu cầu học nghề của 6.000 hộ nông dân tại 44 thôn thuộc 12 xã của 12 huyện, thành phố; 51% hộ dân nông thôn có nhu cầu học nghề với 52 nghề.
Từ kết quả ở biểu đồ 1 đã cho thấy lao động nông thôn có nhu cầu học nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất 58%; nhu cầu học nghề công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ lệ cao hơn so với nghề dịch vụ (25% so với 17%). Trong Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đã cho thấy Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đã đào tạo được 6.500 học viên trong nghề mây tre đan, dệt len, móc len, thêu tay, may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, điện dân dụng, gò hàn, sửa chữa máy nông nghiệp... Sau khi người học được đào tạo nghề thì đã có tới 87% người có việc làm đúng với nghề đào tạo. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề phục vụ sản xuất công nghiệp tại 37/53 đơn vị dạy nghề. Từ năm 2011 - 2015, có 45.677 học viên tốt nghiệp ở trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Các nghề được đào tạo là dệt may, công nghệ ô tô, cơ khí, công nghệ thông tin, thủ công mỹ nghệ. Đối với những người sau khi đào tạo ở trình độ này đã có 85% có việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, trong khoảng 29.460 lao động được giải quyết việc làm trong 01 năm thì thanh niên chiếm 70%; xuất khẩu bình quân 600 lao động/năm. Đặc biệt là lao động thất nghiệp theo hàng năm giảm dần, đến cuối năm 2015 còn dưới 2%. Từ đó cho thấy rằng nguồn nhân lực được đào tạo trong giai đoạn 2011 - 2015 chiếm tỷ lệ cũng khá cao và đã đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động.
Ngoài ra, tỉnh đã triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình dạy nghề cho lao động. Cụ thể là trong giai đoạn 2010 - 2015: huyện Đơn Dương đã thực hiện 01 mô hình dạy nghề nông nghiệp, 01 mô hình dạy nghề phi nông nghiệp, 01 mô hình dạy nghề cho người dân tộc thiểu số. Số lượng lớp đã mở là 76 lớp với 1.955 học viên tham gia học (người dân tộc thiểu số chiếm 55%). Một số nghề đã tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn là: trồng trọt, chăn nuôi - thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, móc len… Một bộ phận lao động sau khi đào tạo xong đã tham gia làm việc trong Công ty Apollo, Công ty Hasfarm… Tại huyện Bảo Lâm và Bảo Lộc có mô hình liên kết với các cơ sở sản xuất tranh thêu tay để dạy nghề - nhận hàng gia công tại nhà; đan mây tre tại các huyện phía Nam, dệt móc len tại Lâm Hà, Bảo Lộc, Di Linh, Lạc Dương. Đặc biệt là trong các mô hình đó có vai trò của doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn nhân lực, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, điều này đã trở thành động lực lớn khiến cho người lao động muốn được tham gia các khóa đào tạo nghề và phát triển nghề sau khi được đào tạo xong.
Trong hoạt động tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã cho thấy việc đầu tư trang thiết bị vào nhóm ngành công nghiệp, xây dựng đầu tư cho 09 nghề, nhóm nghề. Cụ thể là sửa chữa xe máy; hàn, cơ khí; thiết bị động lực; điện dân dụng; điện tử dân dụng; điện công nghiệp; xây lát, ốp gạch đá; may công nghiệp; dệt len. Bên cạnh đó, việc đầu tư này tuân thủ theo nguyên tắc là không trùng lắp giữa các trung tâm cùng khu vực, để một trung tâm đảm nhận dạy một số nghề tại nhiều huyện nhằm phát huy hiệu quả trang thiết bị, giáo viên... Các nghề thủ công như may, thêu, dệt len, móc len, đan mây tre thì khuyến khích các trung tâm liên kết, xã hội hóa, không sử dụng ngân sách để mua sắm trang thiết bị. Điều này cho thấy rằng các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng đã có sự đầu tư vào trang thiết bị nhằm phục vụ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp. Mặt khác, đối với nghề thủ công thì lại chủ yếu là khuyến khích sự liên kết, xã hội hóa và chưa có được nguồn lực tài chính đầu tư vào nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động đào tạo nghề. Bởi vì, hoạt động đào tạo nghề muốn hiệu quả thì cần phải có một tiến trình chuẩn bị tốt về đội ngũ giảng dạy, truyền nghề cũng như trang thiết bị đầy đủ, phù hợp để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề thủ công.
Ngoài ra, hoạt động phát triển chương trình đào tạo, giáo trình dạy nghề; phát triển giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; hỗ trợ lao động nông thôn học nghề cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Nguồn: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (2020).
Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tỉnh Lâm Đồng. Ngày 6 tháng 11 năm 2020.
Bên cạnh việc nâng cao số lượng đội ngũ giáo viên, người dạy nghề thì trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của họ được cải thiện đáng kể. Những người tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn cũng là người giỏi nghề, có uy tín trong quá trình đào tạo nghề. Hiện nay, có 11 trung tâm công lập cấp huyện đã được xây dựng, cán bộ ở các trung tâm đều có nghiệp vụ quản lý và nghiệp vụ sư phạm nhằm phục vụ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương.
Ngoài ra, trong 10 năm qua lao động nông thôn đã được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 43.651 người; trong đó nữ giới chiếm 54,4%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm 65,1% và đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm 34,9%. Sau khi trải qua quá trình đào tạo nghề có 37.618 người (chiếm 86,2%) có việc làm. Sự phân bố về cơ cấu việc làm của người lao động được thể hiện:
Nguồn: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (2020). Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm
thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tỉnh Lâm Đồng. Ngày 6 tháng 11 năm 2020.
Qua biểu đồ 4 cho chúng ta thấy rằng người lao động sau khi đào tạo xong thì chủ yếu tự giải quyết việc làm của mình (25.941 người), số lượng người được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chiếm tỷ lệ cao gấp hơn 6 lần so với người được doanh nghiệp tuyển dụng (7.568 người so với 1.172 người). Bên cạnh đó, một số lao động đã chủ động tham gia thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ sản xuất tại địa phương.
Hoạt động giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án đào tạo nghề này cũng được tỉnh Lâm Đồng rất quan tâm. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công chức cấp xã. Cụ thể là giai đoạn 2010 – 2020, có 40 lớp bồi dưỡng cho 3.946 cán bộ, công chức cấp xã bao gồm Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy và các đoàn thể; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, tài chính - kế toán.v.v..
Như vậy, trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Lâm Đồng đã có những thành tựu nổi bật trong công tác đào tạo nguồn lao động nông thôn nói chung và lao động để phục vụ cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói riêng. Phần lớn người lao động sau khi đào tạo đã có thêm kiến thức, kỹ năng để tham gia thị trường lao động, góp phần cải thiện sinh kế của hộ gia đình, tăng thu nhập và thúc đẩy quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
4. Giải pháp nâng cao hoạt động đào tạo nguồn nhân lực nhằm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Một là, các địa phương cần phải có quá trình đánh giá nhu cầu đào tạo nghề về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Căn cứ vào nhu cầu này, tỉnh Lâm Đồng sẽ có kế hoạch cụ thể để sắp xếp cho những lao động này tham gia đào tạo đúng nghề mà họ mong muốn. Khi người lao động được đào tạo thêm kiến thức và kỹ năng về ngành nghề mình yêu thích thì họ sẽ có cơ hội phát triển nghề nghiệp đó và cải thiện nguồn thu nhập của bản thân và hộ gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc xác định nhu cầu người học thì cần phải quan tâm đến nhu cầu của doanh nghiệp và các tổ chức khác.
Hai là, một bộ phận người lao động sau khi được đào tạo nghề về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì cần có nguồn vốn để đầu tư vào phát triển nghề nên cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho họ.
Ba là, cần ưu tiên cho những lao động trong gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, lao động ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đặc biệt là đối với đào tạo nghề về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì cần chú ý đến lao động nữ và nhóm lao động trẻ. Bởi vì, khi lao động trẻ có được công việc ổn định tại các địa phương thì sẽ giảm thiểu tình trạng di cư đến những khu vực đô thị. Điều này góp phần cho sự phát triển tương đối đồng đều giữa các vùng miền và sự phát triển bền vững tại các địa phương.
Bốn là, nội dung trong chương trình đào tạo nghề để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì cần phải bám sát với những yêu cầu của công việc trong thực tiễn. Mục đích là để sau khi người lao động được đào tạo có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, sớm ổn định công việc và phát huy được kiến thức, kỹ năng vừa được học tập. Bên cạnh việc đào tạo các kiến thức chuyên sâu về mỗi ngành nghề thì cần phải chú trọng việc trang bị kiến thức về ngoại ngữ cho người học để có thể đáp ứng nhu cầu việc làm ở những doanh nghiệp đang có vốn đầu tư của nước ngoài, liên kết sản xuất/phân phối hàng hóa với các doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh hiện nay.
Năm là, cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, hợp tác xã… cần phải có mối liên kết chặt chẽ để người lao động sau khi được đào tạo có thể dễ dàng có việc làm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác cũng có thể trao đổi những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động cần phải đạt được. Từ đó, các cơ sở đào tạo nghề, để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sẽ có chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu cầu đó. Mặt khác, các doanh nghiệp, hợp tác xã hay các tổ chức khác không cần phải trải qua quá trình đào tạo lại nguồn lao động; và mặt khác sẽ giúp rút ngắn khoảng thời gian tìm kiếm việc làm của người lao động.
Sáu là, cần có nguồn vốn để tiếp tục đầu tư trang thiết bị và công cụ phục vụ đào tạo nghề về tiểu thủ công nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất các sản phẩm về lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp nhằm đáp ứng được nhu cầu thị trường và cải thiện nguồn thu nhập của người lao động, thì cần phải có sự đầu tư về trang thiết bị, công cụ. Đặc biệt là những người được đào tạo nghề phải được hướng dẫn cách sử dụng các trang thiết bị, công cụ phục vụ cho các nghề tiểu thủ công nghiệp để từ đó họ sẽ vận dụng ngay sau khi kết thúc quá trình đào tạo.
Bảy là, hoạt động truyền thông cần được triển khai rộng rãi để giúp cho người lao động nắm bắt được tầm quan trọng và ý nghĩa của quá trình tham gia đào tạo nghề nhằm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương. Qúa trình tổ chức truyền thông sẽ lựa chọn nhiều hình thức truyền thông nhằm tạo được sự quan tâm của người lao động về vấn đề này.
5. Kết luận
Nâng cao chất lượng nguồn lao động là một vấn đề cốt lõi của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đạt được những thành tựu rất quan trọng. Đặc biệt là trong giai đoạn 2010 - 2015, số lượng lao động đã được trải qua các khóa đào tạo chiếm tỷ lệ rất lớn. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, một bộ phận người lao động đã được tuyển dụng vào làm trong các doanh nghiệp tại địa phương. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có hoạt động bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người lao động. Phần lớn, người lao động đã tích cực chủ động vận dụng kiến thức, kỹ năng để tự tạo việc làm cho bản thân mình; từ đó, họ đã cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống của hộ gia đình. Mặt khác, họ đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tỉnh Lâm Đồng cần thực hiện tốt các giải pháp liên quan đến đánh giá nhu cầu đào tạo nghề, nguồn vốn để người lao động đầu tư vào phát triển nghề sau khi đào tạo; xác định đối tượng ưu tiên trong đào tạo nghề, xây dựng nội dung chương trình đào tạo có chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm đến việc liên kết cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, hợp tác xã; nguồn vốn đầu tư trang thiết bị và công cụ phục vụ đào tạo nghề về tiểu thủ công nghiệp; nâng cao hoạt động truyền thông về tầm quan trọng và ý nghĩa của đào tạo nghề để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp./.
Tài liệu tham khảo
1. Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng. Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng ước năm 2021, http://cucthongke.lamdong.gov.vn/Default.aspx?Act=10, truy cập ngày 05 tháng 05 năm 2022.
2. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI (2020). Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025. Số 01-NQ/ĐH, ngày 03 tháng 11 năm 2020.
3. Nguyễn Thị Huyền (2009). Đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong phát triển doanh nghiệp ở nước ta. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, tháng 06 năm 2009, tr.87-88.
4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (2020). Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tỉnh Lâm Đồng. Ngày 6 tháng 11 năm 2020.
5. Tỉnh ủy Lâm Đồng (2016). Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015”. Số 57-BC/TU, ngày 01 tháng 8 năm 2016.
Online: 6
Ngày: 117Tháng: 7660
Tổng: 726395