LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
TỈNH LÂM ĐỒNG
Số 2A Trần Hưng Đạo - Phường 3 - Thành phố Đà Lạt - Điện thoai: 0263.3533247 - Email: lienhiephoilamdong@gmail.com

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Danh mục: Tư vấn phản biện Ngày đăng: 12 tháng 1 năm 2023

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG

ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

 

Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng

 

Thời gian qua, ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng phát triển đúng hướng, khai thác có hiệu quả các lợi thế, tiềm năng của tỉnh, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,2%/năm; nhiều công trình năng lượng tái tạo, một số dự án mới được đầu tư, đi vào hoạt động đã góp phần phát triển kinh tế và làm tăng tỷ trọng ngành công nghiệp.

Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP còn thấp; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển chậm, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng; chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; năng suất lao động, khả năng đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp không cao; thiếu lao động có tay nghề và chuyên môn cao.

Trước thực trạng trên, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân liên quan tham mưu xây dựng và được Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 25/5/2022 về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy nhằm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 03/11/2020 tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhằm thực hiện 02 mục tiêu cốt lõi:

(1) Đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao tỷ trọng của ngành công nghiệp. Phát triển công nghiệp có chọn lọc; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh theo hướng hiện đại, bền vững. Tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở khai thác thế mạnh nguồn nguyên liệu sẵn có, tạo ra các sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư các dự án công nghiệp có quy mô, công nghệ tiên tiến; hình thành các nhà máy ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào sản xuất công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Nâng cao tỷ lệ sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu sang các thị trường uy tín trên thế giới. Bảo vệ, phát huy giá trị các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống;

(2) Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ bản có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, có tính cạnh tranh cao, một số sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế.

Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11,5% - 12%/năm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) đạt 11,9% - 12,3%/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 65% cơ cấu ngành công nghiệp; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện chiếm khoảng 28%; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp CBCT đạt 13-14%/năm; hình thành các chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu trên, Sở Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, tổ chức, cá nhân liên quan tập trung thực hiện hiệu quả tám (08) nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, trong đó:

- Tập trung phát triển công nghiệp chế biến có lợi thế cạnh tranh về vùng nguyên liệu, sử dụng công nghệ hiện đại thân thiện môi trường (chế biến sâu nông sản, dược liệu; chế biến lâm sản; khai thác khoáng sản cơ khí, chế tạo phục vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến).

- Tiếp tục phát triển và mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiếp tục duy trì và phát triển mạnh thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; duy trì và phát triển các thương hiệu, nhãn hiệu gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng của tỉnh.

Hai là, phát triển các khu, cụm công nghiệp tạo động lực thúc đẩy phát triển các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo; trong đó:

- Quan tâm phát triển các khu, cụm công nghiệp, nhất là đồng bộ về hạ tầng, hệ thống giao thông, hệ thống xử lý nước thải...; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp.

- Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tăng cường thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI vào chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ tại các khu, cụm công nghiệp.

Ba là, phát triển công nghiệp năng lượng dựa trên lợi thế của tỉnh, trong đó:

- Ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án năng lượng tái tạo có tiềm năng (thủy điện tích năng, thủy điện vừa và nhỏ, điện gió và điện mặt trời) ở những nơi phù hợp, đảm bảo không tác động đến rừng tự nhiên, hạn chế tác động môi trường sinh thái, không ảnh hưởng đến khu vực an ninh quốc phòng.

- Xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ để vận hành hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Bốn là, phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

- Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống hiện có và phát triển những làng nghề mới; khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà nghiên cứu đào tạo, truyền nghề, phát triển nghề; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử xây dựng website giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề.

- Kết hợp, lồng ghép Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Năm là, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp

- Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính (PAPI) cấp tỉnh nhằm tạo điều kiện đơn giản nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

- Thu hút đầu tư hạ tầng giao thông cấp thiết có tính chất kết nối liên vùng để nâng cao năng lực vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư; nâng cao chất lượng và hiệu quả liên kết vùng.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

- Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ số, các dây chuyền tự động, robot, công nghệ in 3D, IoT (internet kết nối vạn vật); đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, chế biến công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. 

- Tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo động lực khuyến khích, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Bảy là, nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong đó: chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân, cán bộ quản lý doanh nghiệp có chuyên môn cao, kỹ năng quản trị hiện đại, có đạo đức kinh doanh; xây dựng đội ngũ công nhân có tay nghề cao, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật; có năng lực tiếp thu và sáng tạo trong sản xuất.

Tám là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; phát huy vai trò các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, trong đó: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quản lý Nhà nước về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp./.

 

Tin liên quan