PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TẠI HUYỆN LÂM HÀ: HƯỚNG ĐI ĐÚNG, HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG
ThS. Đinh Công Tuyến
Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng
Là một tỉnh nằm ở phía Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng được biết đến với các thế mạnh chủ lực về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch, dịch vụ. Đây đồng thời cũng là lĩnh vực thuận lợi cho các địa phương trong việc mở rông, phát triển doanh nghiệp để xúc tiến đầu tư, quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường và chủ động hội nhập quốc tế. Huyện Lâm Hà là một trong những địa phương đã đi đầu trong phát triển doanh nghiệp hướng vào khai thác những thế mạnh sẵn có và xu hướng phát triển chung của tỉnh.
Huyện Lâm Hà được thành lập vào ngày 28 tháng 10 năm 1987, có ranh giới phía Bắc giáp huyện Đam Rông, phía Đông giáp thành phố Đà Lạt, phía Đông Nam giáp huyện Đức Trọng, phía Tây giáp huyện Di Linh, đều là các huyện thị của tỉnh Lâm Đồng. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 93.023,2 ha, với số lượng đơn vị hành chính cấp xã gồm 16 đơn vị, với 2 thị trấn và 14 xã. Dân số trung bình năm 2021 là 146.873 người, gồm 30 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người kinh chiếm trên 80%, đồng bào dân tộc ít người như dân tộc K’Ho, Tày, Nùng… chiếm trên 20%. Tuy là một huyện mới nhưng cư dân bản địa có quá trình hình thành và phát triển lâu đời. Phần lớn đất đai của huyện Lâm Hà được tách ra từ huyện Đức Trọng, sát nhập thêm 3 xã thuộc vùng tây bắc của huyện Lạc Dương. Vì vậy, tuy trung tâm huyện chỉ cách thành phố Đà Lạt 50km, nhưng huyện Lâm Hà có đến 1/2 diện tích thuộc vùng sâu, vùng xa, có nhiều khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự ra đời của huyện Lâm Hà gắn liền với kết quả của sự nghiệp xây dựng các vùng kinh tế mới Hà Nội trên đất Lâm Đồng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa của đồng bào dân tộc.
Hướng đi đúng trong phát triển doanh nghiệp gắn với thế mạnh của Huyện
Huyện ủy, UBND huyện Lâm Hà đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Tập trung thu hút phát triển các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để hình thành nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn sản xuất với bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm với mô hình “Doanh nghiệp là nòng cốt; hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm; nông dân là chủ thể”. Chú trọng những mô hình liên kết mang lại hiệu quả cao giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân gắn với ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để nhân rộng.
Ngoài ra, UBND huyện triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao kiến thức về luật, cơ chế chính sách của Nhà nước, các quy định có liên quan trong quá trình hoạt động và tổ chức sản xuất kinh doanh. Nâng cao các kỹ năng trong quản lý, điều hành, hỗ trợ tiếp cận thị trường và xây dựng thương hiệu. Có thể kể đến Kế hoạch 191/KH-UBND ngày 02/10/2018 của UBND huyện Lâm Hà về việc “Triển khai thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện”, Kế hoạch số 112/2018/KH-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; tăng cường công tác đối thoại, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư; tăng cường công tác phối hợp giữa các phòng ban liên quan với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, UBND các xã, thị trấn…
Huyện đã thực hiện công khai minh bạch các thông tin liên quan để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và chính xác các thông tin về vốn, đất đai, thuế, các chế độ ưu đãi… Bên cạnh đó, huyện cũng tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư, các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, xây dựng các cơ sở hạ tầng, các mô hình liên kết trong sản xuất... Qua đó cho thấy, huyện Lâm Hà rất chú trọng đến việc thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp để làm đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế.
Những trái ngọt bền vững
Số lượng doanh nghiệp tăng hàng năm, cơ cấu ngành kinh doanh chuyển dịch theo hướng tích cực
Sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các doanh nghiệp trong 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 hướng vào khu vực công nghiệp – xây dựng là chủ yếu. Hướng chuyển dịch này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số ngành hoạt động tăng có thể kể đến như ngành chế biến cà phê bột, chế biến mắc ca, ươm tơ… Những ngành này vừa phát huy được thế mạnh của huyện là vùng nguyên liệu sẵn có, vừa góp phần tạo ra giá trị sản xuất lớn, đóng góp đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Với 374 doanh nghiệp đang hoạt động thì có 242 doanh nghiệp hoạt động ngành thương mại – dịch vụ, chiếm 64,7%; 120 doanh nghiệp hoạt động ngành công nghiệp – xây dựng, chiếm 32,1%; còn lại 12 doanh nghiệp hoạt động ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Năng lực sản xuất của doanh nghiệp ngày càng tăng
Lao động trong doanh nghiệp: tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp đến 31/12/2020 là 2.744 người, tăng 8,1% (+207 người) so với năm 2016; trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, tỷ lệ tăng lao động bình quân hàng năm đạt 2%.
Tài sản và nguồn vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ tài sản/tổng vốn đều tăng hàng năm. Năm 2020 tài sản cố định đạt 1.448,8 tỷ đồng, tỷ trọng tài sản cố định chiếm 30% nguồn vốn sản xuất kinh doanh, năm 2016 tỷ lệ này là 24,6%. Bình quân giai đoạn 2016 – 2020, giá trị tài sản cố định tăng 24,4%/năm.
Vốn sản xuất kinh doanh: tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp hàng năm đều tăng theo sự phát triển số lượng doanh nghiệp. Tổng nguồn vốn kinh doanh của các doanh nghiệp đến 31/12/2020 là 4.809,9 tỷ đồng, tăng 95,5% so với năm 2016. Tốc độ tăng nguồn vốn hàng năm của các doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là 18,2%; bình quân tổng nguồn vốn/doanh nghiệp trong năm 2020 là 12,9 tỷ đồng so với năm 2016 bình quân vốn/doanh nghiệp là 9,4 tỷ đồng. Đây là mức tăng cho thấy quy mô sản xuất bình quân/doanh nghiệp ngày càng được mở rộng.
Đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các doanh nghiệp: hầu hết các doanh nghiệp đều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình. Trong tổng số 374 doanh nghiệp đang hoạt động năm 2020 có 344 doanh nghiệp sử dụng máy vi tính trong sản xuất kinh doanh, chiếm tỷ lệ 92%, tỷ lệ này năm 2016 là 83,6%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng máy vi tính 100%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa tận dụng hết lợi thế của công nghệ này.
Cùng với sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng có những bước phát triển quan trọng:
Bảng: Doanh thu thuần của doanh nghiệp hàng năm (tỷ đồng)
Doanh thu thuần của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Hà trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng hàng năm; tốc độ tăng bình quân đạt 10,9%/năm. Tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi cũng tăng từ 36,3% năm 2016 lên 42% năm 2020. Mặc dù năm 2021, nền kinh tế tương đối bất lợi với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng các doanh nghiệp cũng cố gắng vượt qua khó khăn và dần thích nghi với tình hình mới.
Như vậy có thể thấy, trong thời gian hiện nay, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Hà đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng cũng như quy mô sản xuất kinh doanh. Ngành nghề sản xuất kinh doanh cũng đa dạng và phong phú hơn. Loại hình doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi lên công ty TNHH cũng nhiều hơn, công ty cổ phần tăng nhanh. Sự phát triển nhanh của doanh nghiệp góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội, huy động các nguồn vốn cá nhân, nguồn vốn tiết kiệm… cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng giá trị xuất khẩu và làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 2.545 tỷ đồng năm 2016 lên 3.320 tỷ đồng năm 2020. GRDP bình quân đầu người giai đoạn 2016 – 2020 tăng 7,9%/năm, từ 50,9 triệu đồng/người/năm đã tăng lên 69 triệu đồng/người/năm vào năm 2020. Hàng năm, doanh nghiệp có thể tạo ra công ăn, việc làm cho số lượng lớn người lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định xã hội. Thêm vào đó, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ nên không đòi hỏi nhân công có trình độ chuyên môn cao mà tận dụng nguồn nhân lực tại địa phương với chi phí lao động thấp, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong dân cư, đặc biệt là lao động thiếu kỹ thuật.
Thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, hạn chế
Huyện cũng đã nhìn nhận việc phát triển các loại hình doanh nghiệp cũng còn gặp một số khó khăn như: Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Hà chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương. Với 61.304 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 16,6% tổng diện tích đất sản xuất của tỉnh, nhưng toàn huyện chỉ có 12 doanh nghiệp hoạt động ngành sản xuất nông, lâm, thủy sản. Sản lượng cà phê nhân năm 2020 đạt 128.663 tấn nhưng toàn huyện chỉ có 06 doanh nghiệp chế biến cà phê bột với sản lượng cà phê bột đạt 200 tấn/năm. Đây có thể coi là hạn chế lớn của huyện Lâm Hà khi chưa thu hút, phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2020, toàn huyện đạt 4.286 tấn kén tằm nhưng chỉ có 07 doanh nghiệp ươm tơ với lượng kén nguyên liệu là 3.600 tấn, lượng kén tằm còn lại phải tiêu thụ ngoài huyện.
Các ngành dịch vụ, du lịch cũng chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Do quy mô nhỏ nên việc mở rộng sản xuất kinh doanh khó khăn, bất cập trong tiếp cận vốn tín dụng. Số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tỷ trọng cao trong tổng số doanh nghiệp, năm 2020 tỷ lệ này là 69,5% (260 doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ/374 doanh nghiệp đang hoạt động). Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ hoặc hòa vốn chiếm tỷ trọng cao trong tổng số (năm 2020 là 58%).
Doanh nghiệp phát triển còn mang tính tự phát, chưa có định hướng phát triển doanh nghiệp rõ ràng. Doanh nghiệp phân bố tập trung ở ngành thương mại là chủ yếu. Điều này cho thấy mức độ đầu tư tập trung của các doanh nghiệp vào các ngành đòi hỏi ít vốn, sử dụng lao động giản đơn. Số lượng doanh nghiệp phân bổ không đồng đều cho thấy cấp ủy, chính quyền chưa có các đột phá, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đảm bảo liên thông… nhằm thu hút đầu tư cho các xã vùng sâu, vùng xa.
Việc thu hút và sử dụng lao động trong các doanh nghiệp còn hạn chế, chủ yếu là thuê lao động thời vụ. Mặc dù lao động làm việc trong các doanh nghiệp tăng hàng năm nhưng tỷ lệ lao động làm việc trong các doanh nghiệp chỉ chiếm 3,3% tổng số lao động của huyện. Thu nhập bình quân/lao động cũng tương đối thấp so với bình quân chung của tỉnh.
Trình độ khoa học công nghệ chưa theo kịp xu thế phát triển công nghệ thông tin hiện nay. Đặc biệt là việc ứng dụng thương mại điện tử gần như chưa xuất hiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Hà…
Và những giải pháp đột phá, trọng tâm
Với việc nhìn nhận những thực trạng chung, huyện Lâm Hà đã xác định việc phát triển doanh nghiệp ở địa phương cần tập trung vào các ngành nghề có lợi thế của địa phương, có quy mô lớn, làm động lực phát triển công nghiệp; tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; phát triển những ngành, nghề thu hút nhiều lao động, sử dụng lao động tại chỗ, lao động của địa phương. Do đó, chú trọng vào thực hiện các giải pháp là:
Thứ nhất, Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính. Kịp thời hỗ trợ pháp lý cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình lập hồ sơ thành lập doanh nghiệp, các vướng mắc trong thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, Huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng quy hoạch cơ sở hạ tầng. Tăng cường quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị và bố trí dân cư bên cạnh các khu công nghiệp để bảo đảm các nhu cầu xã hội cho lực lượng lao động trong các khu công nghiệp.
Thứ ba, Có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường vốn, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tài chính cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện ưu đãi về vốn cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới về công nghệ, máy móc thiết bị trong các lĩnh vực có lợi thế của địa phương về công nghiệp chế biến chè, cà phê, mắc ca, rau hoa, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nghề…
Thứ tư, Xác định lợi thế và tiềm năng của địa phương để định hướng phát triển doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng bứt phá, bền vững cho địa phương. Xây dựng danh mục kêu gọi thu hút các dự án đầu tư phát triển thuộc các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản. Xây dựng các chương trình hợp tác với các tỉnh khác, giữa các huyện trong tỉnh để huy động các nguồn lực, khai thác các lợi thế của địa phương.
Thứ năm, Định hướng và hỗ trợ một số doanh nghiệp đặc sắc của địa phương xây dựng và quảng bá thương hiệu, hỗ trợ trong quá trình hợp tác, liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm, đổi mới công nghệ.
Thứ sáu, Có kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các hình thức giáo dục nghề nghiệp trong công ty, doanh nghiệp, dạy nghề gắn với sản xuất và dạy nghề ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng cho công nhân, người lao động./.
Online: 2
Ngày: 609Tháng: 7030
Tổng: 746345