THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN, LÀNG NGHỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP
VÀ SẢN PHẨM OCOP TỈNH LÂM ĐỒNG NHẲM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ LẦN THỨ XI
Phan Minh Sơn
Chi cục Phát triển nông thôn - Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng
Lâm Đồng là một trong năm tỉnh Tây Nguyên, hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nhưng là tỉnh tập hợp nhiều thành phần dân tộc đến định cư sinh sống và mang theo nhiều loại hình ngành nghề đến phát triển cùng với các ngành nghề truyền thống của người đồng bào dân tộc bản địa, tạo nên sự đa dạng về loại hình nghề nghiệp và bản sắc văn hóa sản phẩm. Về tốc độ phát triển so với Quy hoạch đề ra thì tốc độ phát triển ngành nghề trên địa bàn Lâm Đồng nhìn chung còn chậm, đặc biệt là về quy mô sản xuất, nhưng có nhiều nghề truyền thống được bảo tồn và khôi phục, nhiều sản phẩm OCOP đạt thứ hạng sao cao (9 sản phẩm 5 sao), nhiều nghề mới có hiệu quả kinh tế phù hợp với đặc điểm phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Thực hiện Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm ngành nghề nông thôn, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, truyền thống địa phương, đẩy mạnh phát triển sản xuất, liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập, đời sống của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đánh giá thực trạng phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề và sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như sau:
Về phát triển ngành nghề nông thôn
Toàn tỉnh có 04 nhóm ngành nghề nông thôn, với khoảng 76 nghề truyền thống, UBND tỉnh Lâm Đồng đã Quyết định công nhận 02 nghề truyền thống (nghề truyền thống làm nhẫn bạc của đồng bào dân tộc Chu Ru, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương và dệt thổ cẩm thôn 4, xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên); với 8.154 cơ sở (trong đó: Doanh nghiệp 531 cơ sở, Hợp tác xã 30 cơ sở, Tổ hợp tác 10 cơ sở, Hộ gia đình 7.583 cơ sở). Sử dụng 13.708 lao động, trong đó: lao động thường xuyên 9.596 người; lao động nữ 5.757 người; lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số 1.371 người.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn: tổng doanh thu của các cơ sở ngành nghề nông thôn đạt 7.760 tỷ đồng; tổng thu nhập bình quân của người lao động/tháng đạt 9,5 triệu đồng. Trong đó, nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản 6,3 triệu đồng/lao động/tháng; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn (NNNT) 13,6 triệu đồng/lao động/tháng; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ 9,7 triệu đồng/lao động/tháng; sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh 8,3 triệu đồng/lao động/tháng.
Về phát triển làng nghề
Toàn tỉnh có 31 làng nghề (19 làng nghề truyền thống và 12 làng nghề), UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định công nhận 17 làng nghề (11 làng nghề truyền thống và 06 làng nghề). Trong đó nhóm nghề: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản 02 làng nghề; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn 07 làng nghề; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ 15 làng nghề; sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh 06 làng nghề.
Tổng số hộ làng nghề 5.020 hộ, với 9.379 lao động. Trong đó: lao động thường xuyên 8.159; lao động nữ 5.908; lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số 1.688; có 02 nghệ nhân được UBND tỉnh công nhận.
Tổng doanh thu 4.126.087 triệu đồng; thu nhập bình quân/lao động /tháng đạt 5,25 triệu đồng. Trong đó nhóm nghề: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản 4,1 triệu đồng/lao động/tháng; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất NNNT 4,8 triệu đồng/lao động/tháng; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ 3,8 triệu đồng/lao động/tháng; sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh 8,3 triệu đồng/lao động/tháng.
Có 05 làng nghề đăng ký nhãn hiệu Hoa Đà Lạt.
Các cơ sở hạ tầng làng nghề được hỗ trợ đầu tư lồng ghép với các chương trình: nông thôn mới, kinh tế tập thể, giảm nghèo, 135, bố trí dân cư và các chương trình khác của ngành nông nghiệp.
Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP)
Hội đồng OCOP tỉnh đã tổ chức đánh giá, phân hạng 155 hồ sơ sản phẩm OCOP của cấp huyện, kết quả:
Số sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP: 155 sản phẩm. Trong đó: số lượng sản phẩm được công nhận 3 sao 67 sản phẩm; sản phẩm được công nhận 4 sao 79 sản phẩm; sản phẩm được công nhận 5 sao 09 sản phẩm.
Chủ thể tham gia Chương trình có 93 chủ thể. Cơ cấu như sau: chủ thể là Hợp tác xã 21 chủ thể; chủ thể là Doanh nghiệp 52 chủ thể; chủ thể là Cơ sở, hộ cá thể, Trang trại 16 chủ thể; chủ thể là Tổ hợp tác 04 chủ thể.
Tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua đã phát huy được lợi thế có vùng nguyên liệu từ rừng khá phong phú, thu hút và giải quyết cho một lực lượng lao động tại chỗ khá đáng kể, tạo công ăn việc làm và thu nhập. Nhờ có nguồn lao động dồi dào, các cơ sở ngành nghề, làng nghề đã từng bước sản xuất ra nhiều sản phẩm, mẫu mã, chủng loại, mức độ kỷ xảo và chất lượng cao… tham gia đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, các chủ thể hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình OCOP nên số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP được công nhận tăng lên rất nhanh so với cả nước.
Mặc dù thị trường có nhiều biến động về giá cả, nhưng các cơ sở ngành nghề, làng nghề… vẫn duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, một số làng nghề trồng hoa đã chuyển đổi được một số giống mới, đầu tư xây dựng nhà kính hiện đại và đã từng bước gắn với du lịch, dịch vụ.
Thuận lợi và khó khăn của việc phát triển ngành nghề, làng nghề và sản phẩm OCOP:
Thuận lợi
Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, đặc biệt là sự đồng thuận cao của UBND cấp huyện, xã trong chỉ đạo và triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề và sản phẩm OCOP tại địa phương.
Tỉnh Lâm Đồng cơ bản đã xây dựng đầy đủ cơ sở pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, bao gồm hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ Trung ương và hệ thống văn bản thực hiện của địa phương. Chính quyền các cấp đã có những chính sách mời gọi thu hút nhà đầu tư về lĩnh vực ngành nghề nông thôn và tạo mọi điều kiện để phát triển ngành nghề, làng nghề. Có nguồn nhân lực dồi dào, số người trong tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao, nguồn tài nguyên và nguyên liệu phong phú cho phát triển ngành nghề, làng nghề, nổi bật là tài nguyên rừng, nông sản, khoáng sản, mặt khác do gần vùng kinh tế Nam Trung bộ có số lượng dân đông nhất nước đang có nhu cầu lớn trong tiêu dùng gia đình những sản phẩm có nguồn nguyên liệu sẵn có ở Lâm Đồng (sản phẩm rau, hoa, cà phê, dâu tằm, mây tre đan, gỗ gia dụng, đũa tre, các sản phẩm chế biến từ thực phẩm…).
Một số địa phương đã lập quy hoạch điểm công nghiệp tập trung (Thành phố: Đà Lạt, Bảo Lộc; Huyện: Đức Trọng, Đơn Dương…) tạo điều kiện cho các ngành nghề phát triển và tiêu thụ sản phẩm.
Có đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia có tay nghề cao, tâm huyết, có khả năng truyền dạy nghề cho lớp thợ trẻ.
Các cơ sở ngành nghề, làng nghề có thể phát triển ở nhiều loại hình từ hộ sản xuất gia đình đến những Tổ hợp tác, Hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và có thể làm vệ tinh cho những doanh nghiệp lớn, có khả năng linh hoạt giải quyết những đơn đặt hàng dài hạn.
Khó khăn
Phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề ở địa phương vẫn còn mang tính tự phát; thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi công nghệ và trang thiết bị tiên tiến phục vụ cho sản xuất; chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ để bảo tồn và phát triển; trình độ quản lý, kinh nghiệm trong kinh doanh của chủ cơ sở sản xuất còn yếu, chưa đáp ứng kịp theo nhu cầu hiện nay; thiếu nhân lực có tay nghề; khó tiêu thụ sản phẩm; chưa mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất thực tiễn; chủ yếu là loại hình kinh tế hộ gia đình, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh trên thị trường yếu; việc giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc trong sản phẩm truyền thống chưa được coi trọng; việc khai thác tiềm năng du lịch trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống chưa được khai thác; các sản phẩm mây tre đan khó khăn trong thị trường tiêu thụ, giá bán còn thấp và chưa ổn định; sản phẩm ngành nghề về chủng loại, mẫu mã còn kém về mức độ kỹ xảo, chất lượng thấp, không đồng đều; chưa có sự hỗ trợ thích đáng của Nhà nước trong công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết việc đào tạo nghề với sử dụng lao động sau khi học nghề (đào tạo xong không có việc làm); một số ngành nghề truyền thống (đúc bạc, nghề gốm, rèn thủ công…) của đồng bào dân tộc chỉ làm theo kinh nghiệm, cục bộ trong dòng họ ngày một bị mai một thất truyền.
Chương trình OCOP là chương trình mới; công tác phối hợp của các cấp ngành, địa phương, đơn vị liên quan chưa cụ thể. Do vậy trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các Hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn chưa tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi từ phía các ngân hàng do phải có thế chấp, thủ tục rườm rà, thời hạn cho vay ngắn...
Một số giải pháp
1. Khai thác và phát huy lợi thế so sánh của các sản phẩm ngành nghề, làng nghề, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển ngành nghề trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của tỉnh; áp dụng công nghệ cao để giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm; phát triển trên cơ sở đổi mới công nghệ, tạo bước tiến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số ngành và sản phẩm công nghiệp; phát triển ngành nghề gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và dịch vụ, du lịch.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề… nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề.
3. Thời gian tới cần tập trung hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở, các ngành hàng mang tính chủ lực của địa phương:
Công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, đồ uống, chè chất lượng cao, cà phê và các mặt hàng công nghiệp sạch, công nghiệp may đan và các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đậm bản sắc văn hóa phục vụ phát triển du lịch.
Chế biến và đan lát tre, nứa, song mây, dệt thổ cẩm, đan len, sản xuất và chế biến đồ gỗ dân dụng, gỗ cao cấp, gỗ mỹ nghệ, trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa tại các huyện phía nam.
4. Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tập trung vào các ngành nghề mũi nhọn cần ưu tiên như: trồng hoa, dệt thổ cẩm, mây tre đan xuất khẩu, đồ gỗ dân dụng, đồ thủ công mỹ nghệ… chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống như: nghề rèn thủ công, cơ khí, sửa chữa máy nông cụ, gốm… khuyến khích mở rộng các ngành nghề mới tại địa phương như: sinh vật cảnh, thêu ren móc sợi…
5. Bảo tồn và khôi phục các làng nghề truyền thống lâu đời, hình thành và phát triển nhanh làng nghề mới, xây dựng thử nghiệm một số làng nghề điển hình, hình thành làng nghề văn hóa và du lịch. Phát triển làng nghề trên cơ sở kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại.
6. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh hàm lượng công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng và vật tư nguyên liệu trong sản phẩm. Tập huấn, đào tạo truyền nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường.
7. Khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào các địa bàn kinh tế trọng điểm; hỗ trợ đầu tư nhiều hơn cho các vùng chịu nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
8. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm phát triển tốt về công nghệ, thị trường; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư để phát triển ngành nghề, làng nghề.
9. Tổ chức và tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm trong nước và quốc tế, đăng ký thương hiệu, mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm… Thành lập các hiệp hội làng nghề, tăng cường quản lý thị trường.
10. Bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng và ổn định để thu hút các nguồn vốn bên ngoài, đồng thời thực hiện các giải pháp bảo đảm đầu tư, giúp cho các doanh nghiệp trong tỉnh duy trì và phát triển sản xuất ở các làng nghề.
11. Đẩy mạnh công tác cấp bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống cho các cơ sở.
12. Đẩy nhanh phát triển sản phẩm OCOP nhằm phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, nhưng phải thực hiện ở cả khu vực đô thị, nhằm hỗ trợ tích cực thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành xây dựng thực hiện Kế hoạch triển khai chương trình OCOP, nâng cao trách nhiệm của từng địa phương, nhất là cấp xã. Tùy điều kiện, đặc điểm, cần lựa chọn bước đi, lộ trình thích hợp, lựa chọn các sản phẩm lợi thế của địa phương để đầu tư phát triển, nâng cấp thành sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và tiến tới xuất khẩu.
Địa phương cần vận dụng sáng tạo chính sách phát triển ngành nghề nông thôn trong quá trình thực hiện, sáng tạo các mô hình phát triển kinh tế nông thôn, linh hoạt trong triển khai thực hiện từ các cơ chế, chính sách chung của Trung ương, của tỉnh và điều kiện đặc thù, phù hợp với địa phương.
Xác định số lượng sản phẩm cần tập trung nâng cấp theo quyết định của tỉnh và chỉ đạo của Trung ương; triển khai Chương trình phát triển sản phẩm OCOP cho linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế địa phương./.
Online: 9
Ngày: 842Tháng: 8895
Tổng: 771645