LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
TỈNH LÂM ĐỒNG
Số 2A Trần Hưng Đạo - Phường 3 - Thành phố Đà Lạt - Điện thoai: 0263.3533247 - Email: lienhiephoilamdong@gmail.com

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC VÀ BÀI HỌC ĐẶT RA ĐỐI VỚI TỈNH LÂM ĐỒNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Danh mục: Tư vấn phản biện Ngày đăng: 23 tháng 11 năm 2022

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC VÀ BÀI HỌC ĐẶT RA ĐỐI VỚI TỈNH LÂM ĐỒNG

TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

 

                                                     ThS. Dương Thị Hậu 

Giảng viên Trường Đại học Đà Lạt

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm đặc biệt đối với trí thức, Người coi trí thức là vốn quý của dân dộc, là thành phần không thể thiếu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cần yêu thương, trân trọng đối với trí thức, đồng thời mở rộng dân chủ và có những chính sách tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng đối với trí thức. Bài viết góp phần trình bày hệ thống quan điểm của Hồ Chí Minh về những biện pháp tổ chức và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong thực tiễn cách mạng Việt Nam và nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó đưa ra một số bài học vận dụng để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay.

1. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta, dân tộc ta, cho các thế hệ đời sau những giá trị tư tưởng to lớn, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực khoa học công nghệ. Hồ Chí Minh đã sớm nhìn nhận khoa học và công nghệ với vai trò là động lực lịch sử , một lực lượng cách mạng. Năm 1958, Bác đã gửi thông điệp cho toàn Đảng, toàn dân: “Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận” và theo Người nó có tính quyết định then chốt trong việc đưa nhân dân ta nhanh chóng “vĩnh viễn thoát khỏi cảnh nghèo đói, lạc hậu” và đó là con đường duy nhất đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có nền nông - công nghiệp hiện đại. Do đó, Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu, cần phải “Ra sức đào tạo cán bộ khoa học và xây dựng các cơ sở nghiên cứu khoa học cần thiết, kết hợp với việc phổ biến rộng rãi những hiểu biết khoa học và công nghệ trong đông đảo quần chúng, thúc đẩy phong trào thi đua cải tiến công nghệ, sáng chế phát minh”.

 Nội dung tư tưởng  Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức (ĐNTT) nói chung và trí thức khoa học công nghệ nói riêng được thể hiện qua năm quan điểm chính sau:

Một là, trí thức phải được đối xử công bằng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, việc dùng nhân tài không nên quá khắt khe, không phân biệt giữa người trong Đảng với người ngoài Đảng. Hồ Chí Minh căn dặn: “...rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong các cuộc họp với Thường vụ Trung ương Đảng ngày 26/8/1945, Người thường xuyên nhấn mạnh, yêu cầu việc thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia phải bao gồm cả những đại biểu các đảng phái yêu nước, những nhân sĩ không đảng phái vừa có đức, vừa có tài và uy tín trong nhân dân. Đề nghị của Người được các đảng phái tán thành. Rất nhiều đảng viên của đảng cộng sản (Việt Minh) cũng đã tự nguyện rút khỏi Chính phủ, nhường chỗ cho các đảng phái, nhân sĩ, trí thức khác. Kết quả là thành phần trong Chính phủ lâm thời công bố ngày 28/8/1945 gồm 14 bộ trưởng, trong đó có tới 8 bộ trưởng thuộc các đảng phái và các nhân sĩ, trí thức yêu nước, 6 bộ trưởng thuộc Việt Minh, 8 bộ trưởng thuộc các đảng phái và các nhân sĩ, trí thức yêu nước. Một Chính phủ ra đời với 50% số bộ trưởng là trí thức, nhân sĩ và những người đảng phái khác, cho thấy sự táo bạo và tin tưởng, trọng dụng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân tài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với trí thức bằng cả tấm lòng chân thành, tin tưởng, không có định kiến. Người luôn trân trọng những tài năng, những trí thức với nhiều thành phần xuất thân, địa vị xã hội khác nhau. Với tư tưởng không muốn bỏ sót bất cứ một nhân tài nào, Hồ Chí Minh đã kêu gọi, những trí thức từng làm việc trong chế độ cũ tham gia, đóng góp và cống hiến cho Chính phủ mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiêu biểu như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Vũ Đình Hòe, Luật sư Phan Anh,… trí thức Tây học có Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai... 4 trí thức người Việt đã thành danh ở Pháp gồm: Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân và Võ Đình Quỳnh  đã nhiệt thành cùng Bác Hồ về Việt Nam tham gia kháng chiến… họ đều chung một ý chí, đó là đoàn kết dân tộc, chung tay góp sức xây dựng chế độ mới, bảo vệ độc lập dân tộc.

Hai là, phát huy vai trò của trí thức trên sơ sở tôn trọng và yêu thương.

Trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta, nhất là ở thời kì Đảng mới ra đời, đã xuất hiện căn bệnh giáo điều, chủ quan, đánh giá vai trò của các giai cấp khác ngoài công - nông (trong đó có trí thức) còn chưa chính xác. Đây là tư tưởng sai lầm hết sức nghiêm trọng ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc của các tổ chức và cá nhân coi khinh trí thức. Đặc biệt, với cán bộ lãnh đạo quản lý trí thức, Người đặt ra yêu cầu phải đánh giá đúng vai trò của trí thức và cần hiểu sâu sắc rằng: “Những người trí thức tham gia các mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc khó khăn thêm nhiều”. Người đưa ra lời khuyên, Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu… phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, để lãnh đạo cho đúng, dùng cán bộ cho đúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tình yêu thương con người trong tôi không bao giờ thay đổi”, vì yêu thương mà Người luôn trân trọng giá trị, nhân phẩm, danh dự của con người trong đó có cán bộ, trí thức. Người chưa bao giờ nặng lời chỉ trích mà luôn chỉ bảo nhẹ nhàng, phê bình tế nhị để cho họ hiểu ra vấn đề và kịp thời sửa lỗi, chính điều đó đã khiến cho ai cũng phải nể phục và yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính sự chân thành và thái độ trân trọng, tin tưởng của Người đã làm cho họ vô cùng cảm động và tự nhủ sẽ hoàn thành tốt mọi công việc để xứng đáng với sự tin tưởng của Hồ Chí Minh.

Ba là, khéo bố trí, sử dụng trí thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy truyền thống “dụng nhân như dụng mộc” của cha ông ta trở thành chuẩn mực, nguyên tắc trong bố trí và sử dụng cán bộ, trí thức. Theo Người, nhân tài nước ta chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng, thì nhân tài ngày càng phát triển, càng nhiều thêm, “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng việc to, tài nhỏ ta cắt vào làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Hồ Chí Minh viết: “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy chúng ta phải khéo dùng Người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ”. Và Người cũng phê phán: “Thường thì chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bào đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Vì vậy nếu biết tùy tài mà dùng người thì hai người thành công”.

Bốn là, quan tâm đến điều kiện làm việc và chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với trí thức.

Trong điều kiện chiến tranh bom đạn ác liệt, điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn, điều đó đã làm cho nhiều nhà trí thức vô cùng khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, công việc nghiên cứu. Nắm bắt được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kịp thời gặp gỡ trao đổi, cùng giải quyết những khó khăn với trí thức và động viên tinh thần để anh em trí thức có động lực gắng sức làm việc tốt nhất.

Quan tâm đến chế độ tiền lương cho cán bộ giáo viên, ngày 8/11/1946, trong buổi tiếp Liên đoàn Giáo dục Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Khi nào nền tài chính dồi dào, Chính phủ phải nghĩ ngay đến giáo viên là những người từ tầng lớp dưới đến tầng lớp trên, lãnh trách nhiệm đào tạo nhân tài cho Tổ quốc”. Để khuyến khích, động viên tinh thần làm việc hăng hái, sáng tạo, Người cũng hứa sẽ có chế độ trọng thưởng tương xứng: “Tôi thay mặt chính phủ mà hứa rằng: Người nào hoặc bộ phận nào tìm được, chế tạo được một thứ thuốc mới có hiệu quả hoặc nghĩ ra cách gì mới làm cho việc y tế tiến bộ mau chóng hơn thì sẽ được trọng thưởng”.

Sự quan tâm, chia sẻ của Người với những nhà khoa học, với cán bộ, trí thức về vật chất, tinh thần, tình cảm đã tạo cho họ mọi điều kiện có thể có trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, thiếu thốn thực sự là nguồn động lực cỗ vũ tinh thần to lớn để họ làm việc tốt nhất cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Năm là, cần có sự tổ chức và lãnh đạo của Đảng trong phát huy vai trò của trí thức và thực hiện tốt dân chủ.

Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo đối với trí thức nhằm dẫn dắt, định hướng để trí thức đi đúng đường lối, chủ trương của Đảng, đồng thời không bị lệch lạc dao động về tư tưởng và căn bệnh coi khinh lý luận của một số trí thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng cần quan tâm sát sao, kịp thời chống lại những biểu hiện của bệnh hẹp hòi ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý trí thức và kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách quan tâm đến điều kiện làm việc và đời sống của trí thức, cất nhắc cán bộ vào những vị trí phù hợp. Qua đó giúp tăng cường thêm khối đại đoàn kết, giúp cho trí thức tin và đi theo Đảng, yên tâm làm việc và cống hiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cần mở rộng dân chủ, có dân chủ mới có sáng kiến, nếu thực hiện tốt dân chủ sẽ tạo động lực to lớn cho hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tạo của trí thức. Người khẳng định: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau”. Vì vậy, Người yêu cầu: “cần phải nâng cao, mở rộng dân chủ, khuyên cán bộ và đảng viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng. Khi họ đã có ít nhiều sáng tạo, thì giúp đỡ cho họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm hăng hái. Như thế, thì những tính lười, tính gặp chăng hay chớ ngày càng bớt, mà sáng kiến và tính hăng hái ngày càng nhiều thêm”.

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của ĐNTT, nhất là trong bối cảnh nước ta đang trong thời kỳ tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (CNH, HĐH) gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu.

Với những đặc trưng CNH, HĐH mà Đảng ta đã xác định, vai trò cốt lõi là tri thức và công nghệ trong mối quan hệ hữu cơ với đội ngũ trí thức ngày càng có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Như Đảng ta cũng khẳng định: Ngày nay cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại; đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Như vậy, mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đòi hỏi phải lựa chọn con đường phát triển rút ngắn, phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt năng lực sáng tạo của ĐNTT.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã cụ thể hóa hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức và các biện pháp nhằm phát huy sức mạnh trí tuệ của trí thức. Lần đầu tiên Đảng ta đã đưa ra định nghĩa trí thức và đồng thời khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước… Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao 

năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Nghị quyết Trung ương cũng đã nêu rõ: Rà soát các chính sách hiện có và ban hành các cơ chế, chính sách mới bảo đảm để trí thức được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình… Trọng dụng, tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại hội X (2006) của Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Trọng dụng nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, kỹ sư trưởng, công nghệ viên lành nghề và công nhân công nghệ có tay nghề cao. Có chính sách thu hút các nhà khoa học và công nghệ giỏi ở trong nước và ngoài nước, trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta đã tiếp tục đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển đội ngũ trí thức trong giai đoạn 2016 - 2020 là: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước”.

Với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và ngoài nước, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”.

Tóm lại, để phát huy được vai trò, nhiệt huyết và sức sáng tạo của ĐNTT đòi hỏi cần phải quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với ba vấn đề cơ bản: Tạo lập môi trường làm việc dân 

chủ, công khai, minh bạch; có chính sách thu hút nhân tài và chính sách đãi ngộ phù hợp; tôn vinh những thành quả mà họ cống hiến.

2. Bài học vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ ở tỉnh Lâm Đồng hiện nay

Thứ nhất, Cần thiết phải tạo lập môi trường làm việc dân chủ, công khai, minh bạch để đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thỏa sức sáng tạo và niềm đam mê

        Đặc điểm quan trọng nhất của trí thức là sáng tạo và dân chủ chính là bệ đỡ quan trọng để người trí thức có thể thỏa sức với đam mê phát minh sáng kiến. Bời vậy, cần thiết phải xây dựng một cơ chế dân chủ trong môi trường họ làm việc, trong phản biện các đề tài nghiên cứu và công khai, minh bạch trong đấu thầu các đề tài, dự án khoa học và công nghệ.

 Thứ hai, Phát huy những lợi thế sẵn có của tỉnh Lâm Đồng để trọng dụng nhân tài, trí thức khoa học công nghệ gắn bó và cống hiến cho tỉnh nhà

        Cần thiết tìm ra những điểm mạnh, sự khác biệt của tỉnh Lâm Đồng so với các tỉnh thành khác trên cả nước để thu hút, trọng dụng nhân tài, trí thức khoa học công nghệ đến công tác và gắn bó với tỉnh nhà.

Có thể thấy rằng, so với nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, điều kiện kinh tế, về cơ sở vật chất, kỹ thuật của chúng ta còn khá nhiều khó khăn, các cơ sở đào tạo, các viện, trung tâm nghiên cứu còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên nếu như chưa có nhiều điều kiện về vật chất thì Lâm Đồng chúng ta lại có yếu tố khác có thể chính là sức hút và hấp dẫn lớn đối với nhiều nhà khoa học. Điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú là mảnh đất màu mỡ cho nhiều nhà khoa học đầu tư để nghiên cứu; con người Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”, có truyền thống đoàn kết, yêu nước; nền văn hóa đa dạng; đặc biệt là thời tiết mát mẻ, thuận lợi,… đây chính là những lợi thế quan trọng mà cần phải tiếp tục gìn giữ, phát huy trong thời gian tới nhằm thu hút, giữ chân các nhà nghiên cứu giỏi đóng góp cho tỉnh nhà.

Thứ ba, Kịp thời tôn vinh những thành quả mà họ cống hiến

Kịp thời tôn vinh những trí thức, nhà khoa học có những phát minh, sáng chế đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là biện pháp động viên tinh thần quan trọng nhất để họ cảm thấy được Đảng và Nhà nước trân trọng những gì mà họ đã cống hiến, sẽ tạo động lực quan trọng để các nhà khoa học tiếp tục phát huy. Đồng thời đó cũng là cách để góp phần lan tỏa, truyền bá sâu rộng những sản phẩm tốt đến với tất cả mọi người hướng tới ích nước, lợi dân.

Thứ tư, Cần xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh về thu hút, tạo nguồn cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ .

Có thể thấy rằng, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ, sinh viên xuất sắc mới ra trường chính là đội ngũ kế cận tương lai rất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển ngành khoa học công nghệ của tỉnh, bởi họ là những thế hệ được hòa mình trong thế giới công nghệ từ sớm, họ có tinh thần sáng tạo, đổi mới, có khát vọng, có lý tưởng... Do vậy, trong thời gian tới tỉnh Lầm Đồng cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh thành tiêu biểu đã rất thành công trong thu hút và trọng dụng trí thức, nhân tài trong cả nước như tỉnh Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh… và trên cơ sở áp dụng Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để đề xuất xây dựng những chính sách đặc thù trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương nhằm thu hút và đào tạo họ trở thành thế hệ đội ngũ những nhà khoa học đáp ứng tốt yêu cầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

Thứ năm, Rất cần những người lãnh đạo đủ “tâm” và “tầm” để giữ chân và động viên trí thức phát huy năng lực để cống hiến.

Có thể thấy rằng, trong những ngày đầu lập nước, tuy điều kiện còn vô cùng khó khăn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thu hút được rất nhiều nhà khoa học ở trong nước và việt kiều sống ở nước ngoài đã theo chân Bác trở về tổ quốc để cống hiến cho cách mạng (tiêu biểu như ông Võ Quí Huân là người đã có vợ (gốc Nga, quốc tịch Pháp và cô con gái mới 2 tuổi, nhưng ông đã nén lại nỗi đau để theo tiếng gọi của tổ quốc cùng Bác Hồ trở về nước năm 1946; ông Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa) cũng đã từ bỏ công việc với mực lương 22 lạng vàng để theo Bác trở về tổ quốc cho dù điều kiện kháng chiến lúc đó là vô cùng khó khăn), họ bị hấp dẫn chính bởi tấm gương sáng ngời về đạo đức và nhân cách của Hồ Chí Minh và đây chính là bài học về công tác cán bộ đối với tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Trong thời gian tới, cần thiết phải quy hoạch và đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo khoa học công nghệ không chỉ giỏi về kiến thức khoa học mà còn phải giỏi về chính trị, có đạo đức, nhân cách tốt, có tâm, có tầm và luôn yêu thương trân trọng cấp dưới, đối xử khách quan, công tâm với tất cả mọi người./.

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan