LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
TỈNH LÂM ĐỒNG
Số 2A Trần Hưng Đạo - Phường 3 - Thành phố Đà Lạt - Điện thoai: 0263.3533247 - Email: lienhiephoilamdong@gmail.com

VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRI THỨC TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY

Danh mục: Tư vấn phản biện Ngày đăng: 04 tháng 1 năm 2023

VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRI THỨC TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY

 

                                                                Ths. Nguyễn Thị Thanh Hà

Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ Thuật Lâm Đồng

                                                                      Ths. Nguyễn Hải Hà

                                                         Giảng viên Trường Đại học Đồng Tháp

 

Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh, ngày nay vai trò đặc biệt quan trọng của phụ nữ đã được thừa nhận và trân trọng trên phạm vi toàn thế giới. Nhiều văn kiện và văn bản pháp luật quốc tế đã xác định và đề cao quyền của phụ nữ như “Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ CEDAW 1979”, coi đó như là một trách nhiệm của văn minh thế giới. Ở Việt Nam, phụ nữ trong xã hội truyền thống cũng như xã hội hiện đại, với thiên chức mang thai, sinh con và làm mẹ, phụ nữ Việt Nam luôn đảm đương vai trò thiêng liêng: duy trì và phát triển giống nòi, tái sản xuất sức lao động, nuôi dạy, dưỡng bồi nhân cách thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước. Trong xã hội Việt Nam hiện đại, người phụ nữ còn là người giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng các mối quan hệ kinh tế và tổ chức cuộc sống gia đình, là người vun đắp, duy trì hạnh phúc và phát triển những giá trị văn hóa gia đình, giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc trong thời đại mới.

Từ khóa: phụ nữ Việt Nam, văn hóa, kinh tế

1. Phụ nữ Việt Nam hiện đại - sự hòa quyện bản sắc âm tính Á Đông và tính năng động thời đại

Xinh đẹp và âm tính: Mặc dù phụ nữ Việt Nam chưa có nhiều vị trí cao trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế nhưng về vẻ đẹp thường ngày thì phụ nữ Việt được xem là xinh nhất trong khối ASEAN do làn da mềm mịn, dáng mảnh khảnh, đôi mắt nâu và mái tóc dài thẳng mượt như lụa. Bên cạnh đó, phụ nữ Việt lại rất chịu khó học tập, ăn kiêng, làm tóc, làm móng và mặc hợp mốt nên lại càng đẹp hơn thêm. Kể cả với những phụ nữ giản dị và ít chăm sóc vẻ ngoài thì trong mắt nam giới nước ngoài, phụ nữ Việt vẫn đẹp với nét dịu dàng, nhỏ bé và nữ tính do chiều cao trung bình thấp, tỉ lệ béo phì cũng rất thấp so với phụ nữ trên thế giới.

Giọng nói truyền cảm và nhẹ nhàng: Người nước ngoài vẫn truyền tai nhau rằng phụ nữ Việt nói như chim hót hay như hát hoặc nhiều khi như thì thầm vì giọng nàng rất nhẹ nhàng, trong trẻo và nữ tính. Do tính chất của chính tiếng Việt với sáu âm điệu đã vô tình tạo nên giọng nói truyền cảm của phụ nữ Việt.

Có học thức, thông minh, tinh tế: Phụ nữ Việt Nam ngày nay có trình độ học thức và nhiều người thậm chí học cao hơn nam giới. Họ cũng rất nhạy cảm, thông minh trong công việc hay ứng xử trong đại gia đình.

Yêu thương gia đình hết mực: Hầu hết phụ nữ Việt khi đã kết hôn thường hết lòng chăm sóc chồng con, vun vén xây dựng gia đình nhỏ của mình. Không những vậy, nàng còn hiếu thảo với bố mẹ chồng và bố mẹ mình, chăm lo các mối quan hệ họ hàng khác. Với hầu hết phụ nữ Việt, kết hôn nghĩa là mãi mãi, chung sống đến đầu bạc răng long, có mâu thuẫn gì thì đóng cửa bảo nhau.

Giản dị và chân thành: Ngày nay, phụ nữ Việt không còn quá giản đơn trong cách ăn mặc nữa do Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình nên phụ nữ đã trở nên thời trang và lộng lẫy hơn nhiều. Tuy nhiên, sự giản dị được đề cao ở đây là lối sống đơn giản, không đòi hỏi, không thể hiện, khoe khoang khả năng và thường kín đáo và e thẹn hơn phụ nữ của nhiều nước khác.

Chăm chỉ, nghị lực, vị tha: Tôi vẫn nghe người nước ngoài khen phụ nữ Việt vô cùng chăm chỉ. Dù họ là người lao động chân tay hay nội trợ, công sở họ đều làm hết sức mình từ công việc nặng nhọc hay công việc thủ công tỉ mỉ, đến công việc đòi hỏi sự nhẫn nại và hy sinh cao như chăm sóc trẻ nhỏ, người già, họ đều làm hết mình với tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương. Vì gia đình, tình yêu và tương lai, họ cũng luôn có nghị lực vượt qua những thử thách và gian khó của cuộc sống.

Truyền thống: Mặc dù ảnh hưởng mạnh mẽ bởi xu thế giải phóng phụ nữ trong thời kỳ thuộc địa và kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, phụ nữ Việt vẫn còn giữ được nhiều nét truyền thống tốt đẹp. Ngày nay, quan niệm “Tam tòng” (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) chỉ còn sót lại ở một số phụ nữ trung niên hoặc về hưu do tỉ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động không thua gì nam giới. Tuy nhiên, những quan niệm như “công, dung, ngôn, hạnh” hay thủy chung, hiếu thảo, hay dịu dàng, thanh lịch vẫn là những phẩm chất truyền thống được cá nhân, gia đình và xã hội công nhận và hướng tới.

2. Vai trò của phụ nữ trong xây dựng văn hóa gia đình

Vai trò làm vợ, làm mẹ

Có thể nói, con người là hoa của đất và người phụ nữ là hương hoa của cuộc đời. Khi tạo dựng nên con người, tạo hoá ban cho nam giới và phụ nữ những đặc điểm, những cá tính, những khả năng khác nhau để giao cho họ những trọng trách khác nhau. Tạo hoá đã ban cho phụ nữ một cơ thể đặc biệt để mang thai và sinh con. Điều đó đồng nghĩa với việc ban cho họ một thiên chức vô cùng quan trọng và cao quý, ấy là làm vợ và làm mẹ.

Với vai trò làm vợ, người phụ nữ  có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Một gia đình hạnh phúc, luôn tràn đầy ấm áp, yêu thương là gia đình trong đó có người vợ luôn hiểu rõ chồng mình, đồng cảm với chồng trong tư tưởng và cuộc sống tinh thần; sẵn sàng chia sẻ với chồng niềm vui và sự lo lắng trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày; luôn luôn tin tưởng ở chồng và tin vào bản thân.

Có thể nói: Người vợ vừa là bạn đồng hành của người chồng trên con đường đời, vừa là hậu phương vững chắc đem đến sự thành đạt của người chồng.

Với vai trò làm mẹ, người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chức năng sinh đẻ duy trì nòi giống và nuôi dạy con cái, không chỉ từ lúc đứa con cất tiếng khóc chào đời mà ngay cả khi con còn trong bụng mẹ và khi con đã trưởng thành.

Phụ nữ có quyền tự hào, có quyền hãnh diện khi được tạo hoá ban cho một đặc ân, giao cho một trọng trách vô cùng quan trọng và cao quý ấy. Với những đặc tính và thiên chức đó, từ ngàn đời xưa, phụ nữ luôn là người giữ vai trò quan trọng trong việc chèo lái con thuyền mơ ước đi đến bến bờ hạnh phúc. Người xưa có câu: ‘Chết cha ăn cơm với cá, chết mẹ liếm lá ngoài đường” chính là muốn đề cao vai trò làm mẹ của người phụ nữ trong gia đình.

Trước hết phải nói đến tình cảm người mẹ, phụ nữ là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu, với tình yêu thương vô bờ bến là hơi ấm, là nguồn sữa để nuôi con khôn lớn, là chỗ dựa tinh thần to lớn đối với mỗi đứa con. Ngoài ra thể lực, trí lực, phẩm chất đạo đức, nhân cách của người mẹ đã tác động ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành thể lực, trí lực, phẩm chất, nhân cách của những đứa con. Châm ngôn ta đã có câu “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, hay là “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “mẹ nào con nấy”… điều đó cho thấy vai trò và ảnh hưởng to lớn của người mẹ đối với con. Là những người mẹ hết lòng vì con , họ thực sự là những tấm gương cho con cái noi theo.

        Với vai trò làm mẹ, người phụ nữ sẵn sàng xông pha vào cuộc đời không ngại gian lao, khó nhọc, nghiệt ngã để trang bị cho con một tương lai rạng rỡ; phải làm được một vầng trăng thu huyền diệu soi sáng những đêm thâu, tình yêu của mẹ như núi cao vời vợi, lòng bao dung của mẹ như đại dương sâu thẳm, đôi mắt của mẹ làm vì sao dẫn lối cho con trẻ vào đời. Với vai trò ấy ta dễ dàng nhận ra tầm vóc cao đẹp về tình cảm, đức hạnh, sức khoẻ và trí tuệ của phụ nữ. Tất cả những yếu tố ấy đến với phụ nữ như một cái duyên và nhờ cái duyên ấy mà phụ nữ trở thành người khéo léo, biết lo toan, tươm tất mọi bề: từ cái ăn, cái mặc, đến học hành, vui chơi, giải trí của mỗi thành viên trong gia đình.

Vai trò người thầy đầu tiên của con người

Con người, ai cũng cần được giáo dục. Các nhà khoa học đã khẳng định, con người ngay từ khi sinh ra mà không được giáo dục thì lớn lên chẳng khác gì cây hoang, cỏ dại bên đường, cũng chẳng khác mấy các loài động vật. Trong các thiết chế giáo dục, gia đình có vai trò vô cùng quan trọng. Trước hết, gia đình là trường học đầu tiên của con người. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, đứa trẻ đã được cha mẹ và những người thân trong gia đình chăm sóc dạy cho cách làm người. Gia đình chính là nơi rèn luyện cho trẻ những thói quen tốt – mầm mống của những nét nhân cách tốt. Thứ hai, thời thơ ấu sống trong gia đình là thời kỳ quan trọng phát triển tâm hồn trẻ thơ. Tâm lý học hiện đại xác nhận từ sơ sinh đến 5 tuổi, đứa trẻ đã đặt xong nền móng cho tính cách của nó; thời kỳ này, phần lớn thời gian trẻ gắn bố mẹ; chính bố mẹ và các thành viên trong gia đình đã giúp trẻ hình thành nhân cách. Thứ ba, tình thương yêu ruột thịt trong gia đình đã nuôi dưỡng tình cảm trong sáng và hành vi đạo đức tốt đẹp của con người. Tình thương yêu ruột thịt có sức cảm hóa mạnh mẽ đến đứa trẻ, khiến trẻ làm theo những điều mà cha mẹ mong muốn.

Gia đình là môi trường hình thành nhân cách của mỗi con người; trong đó, mỗi thành viên đều có vai trò nhất định. Tuy nhiên không thể phủ nhận vai trò hết sức quan trọng của người phụ nữ. Trong gia đình, người mẹ là người thầy đầu tiên của mỗi con người, giáo dục, theo dõi sự trưởng thành của con. Các quan niệm “cha sinh không tày mẹ dưỡng”, “phúc đức tại Mẫu” của người Việt Nam đã tôn vinh vai trò của người phụ nữ trong việc nuôi dạy con cái; thành ngữ truyền miệng trong dân gian “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, mặc dù rất bất công khi quy kết trách nhiệm giáo dục con cho người phụ nữ trong gia đình, nhưng nó cũng phản ánh phần nào vai trò dạy dỗ trẻ em của người phụ nữ trong gia đình. Thực tế cho thấy, ngay từ khi còn trong bụng mẹ đứa trẻ đã chịu sự giáo dục, rèn luyện của người mẹ: Từ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đến những thói quen sinh hoạt, những suy nghĩ, niềm vui, nỗi buồn của người mẹ đều ảnh hưởng đến đứa con. Khi con cất tiếng khóc chào đời, người mẹ là người đầu tiên dạy con biết lắng nghe, biết biểu lộ cảm xúc khi giao tiếp với mẹ theo kiểu con người. Lớn hơn một chút, mẹ dạy con cách đứng và chập chững bước đi, dạy con cách cầm thìa và sử dụng các đồ vật, các công cụ theo kiểu người.

Mẹ là tấm gương phản chiếu cho con, người mẹ đức độ vị tha thường có  con sẽ ngoan ngoãn, lễ phép. Người mẹ luôn gần gũi con, hiểu rõ con để dạy bảo, uốn nắn những sai lầm của con. Những phẩm chất quý báu của người mẹ như: tần tảo, dịu hiền, thương yêu con hết mực có sức thuyết phục, cảm hóa lớn đối với đứa con. Sự hy sinh vô bờ bến, tấm lòng bao dung, độ lượng, tính nhẫn nại, thái độ hòa nhã với mọi người... là tấm gương sáng cho con noi theo.

Người mẹ có vai trò to lớn trong việc nuôi dạy con trở thành những người tốt. Đề tài nghiên cứu “Vai trò của phụ nữ trong gia đình” của Trung tâm nghiên cứu phụ nữ và gia đình - Học viện Phụ nữ Việt Nam cho thấy, có 32,4% người vợ đảm nhiệm việc kèm cặp đôn đốc con học trong khi tỷ lệ này ở chồng chỉ có 10,7% và hai vợ chồng đảm nhiệm ngang nhau là 18,8%.

Không chỉ kèm cặp con về kiến thức, người mẹ còn là người bạn lớn của con; chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, giúp con giải quyết những khúc mắc từ đáy lòng, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Kết quả nghiên cứu đề tài “Vai trò của phụ nữ trong gia đình” cũng cho thấy, trong số phụ nữ được hỏi,  có 46,8% các bà mẹ có con từng gặp “rắc rối” trong tình bạn đã lắng nghe con tâm sự, 45,5% đã tư vấn, khuyên nhủ con. Có thể nói họ đều là chỗ dựa về tâm lý và tinh thần của con. Con cái thường tìm đến mẹ để giãi bày, thổ lộ, và họ đều biết lắng nghe con tâm sự, tìm hiểu ngọn nguồn để đưa ra những lời khuyên nhủ ân tình, thấu đáo, giúp con tháo gỡ vấn đề.

Vai trò người giữ gìn, tái tạo và sáng tạo các giá trị văn hóa gia đình

Trong chiến lược xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng ta, gia đình được xem là một thành tố lớn của văn hóa, góp phần làm nên bản sắc và sự tiên tiến của nền văn hóa dân tộc. Trong thực tế, mỗi gia đình đều liên quan và tác động đến các mặt của đời sống xã hội và qua đó thực hiện vai trò là thành tố văn hóa của mình. Để thực hiện vai trò ấy, mọi thành viên trong gia đình đều có ý thức trách nhiệm thực hiện, song cả trong lĩnh vực này, người phụ nữ vẫn là người đóng vai trò quan trọng.

Trong gia đình, phụ nữ vừa là người giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của gia đình, vừa là người tiếp thu và sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà trước hết đó là xây dựng gia đình văn hóa. Vai trò đó thể hiện ở:

Người phụ nữ là người giữ gìn tôn ti trật tự trong gia đình, giữ gìn truyền thống trên kính dưới nhường, kính lão đắc thọ qua việc giáo dục con cái các chuẩn mực đạo đức, hướng dẫn con cái thực hiện các quy tắc ứng xử trong gia đình: kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ; thương yêu, đùm bọc, nhường nhịn  giữa các anh chị em; quan tâm, các thành viên trong gia đình luôn chăm sóc lẫn nhau…

Người phụ nữ là người giữ gìn, tái tạo và sáng tạo các làn điệu dân ca, các câu ca dao, tục ngữ, các bài hát, bài thơ. Bằng lời ru, tiếng hát dân ca mượt mà, thắm đượm tình yêu thương, người mẹ, người bà trong gia đình,  truyền lại cho con cháu vốn văn hóa dân tộc; đem lại cho con cháu trong nhà không chỉ là tình yêu thương, mà còn là những bài học về đạo lí làm người.

Người phụ nữ là người giữ gìn các phong tục, tập quán, truyền thống ăn quả nhớ kẻ trồng cây qua việc thờ cúng ông bà tổ tiên, tưởng nhớ tới người đã khuất vào các ngày đầu tháng, các ngày lễ, tết, ngày giỗ…

Người phụ nữ là người tiên phong trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới trong gia đình qua việc tích cực học tập nâng cao trình độ; phân công làm các công việc nhà phù hợp giữa vợ và chồng, giữa con trai với con gái; công bằng trong đối xử giữa các con, không coi trọng con trai, xem nhẹ con gái.

Người phụ nữ là nhân tố tích cực trong phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống các tệ nạn xã hội từ gia đình… Thiếu sự quan tâm của người vợ, thiếu sự quản lý của người mẹ, người chồng và con cái rất có thể bị lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội như bài bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm…

Vai trò người chăm lo đời sống tinh thần của gia đình

Luôn kề vai sát cánh cùng chồng lao động sản xuất, chăm sóc nuôi dạy con cái, người phụ nữ còn là tâm điểm tình cảm của cả gia đình. Không ai khác, chính bàn tay dịu dàng và trái tim nhân hậu của người phụ nữ đã biến mỗi căn nhà trở thành tổ ấm, nơi sum vầy, chia sẻ yêu thương, để mỗi gia đình thực sự trở thành nơi phát triển cảm xúc, tâm hồn, là hậu phương vững chắc, là động lực để mỗi thành viên phát huy tối đa năng lực, đạt được những kết quả tốt nhất trong lao động và học tập. Với nhiều đức tính như kiên trì, tình cảm, chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng vì con, người phụ nữ trở thành sợi dây liên kết tình cảm các thành viên trong gia đình, là người thường xuyên gần gũi, chia sẻ, động viên và kết nối con cái với bố mẹ, ông bà với cháu con. Người phụ nữ là người giữ hoà khí trong gia đình, tạo dựng và dung hòa các mối quan hệ: Mối quan hệ vợ - chồng; mối quan hệ giữa mẹ chồng -  nàng dâu, mẹ vợ với chàng rể; mối quan hệ giữa các anh chị em, mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ với con...

Không chỉ có người mẹ, mà ngay cả người bà, người con gái trong gia đình cũng là những người chăm lo tinh thần, tình cảm cho các thành viên của gia đình. Nếu so sánh các thành viên của cùng một thế hệ, thì thường các thành viên nữ bao giờ cũng gắn với vai trò chăm lo tình cảm cho gia đình hơn các thành viên nam. Thậm chí, ngay cả khi những người con gái đã trưởng thành, lập gia đình riêng, không trực tiếp phụng dưỡng cha mẹ già, nhưng vẫn có vai trò nhất định trong việc chăm sóc tinh thần, tình cảm cho các bậc sinh thành. Dân gian có câu: “Có con mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng đem cho”. Điều làm nên giá trị của người con gái ở đây không nằm ở những vật chất hữu hình mà là tấm lòng thơm thảo, là tình cảm yêu kính thiêng liêng dành cho cha mẹ già.

Vai trò người chăm sóc sức khỏe các thành viên trong gia đình

Chăm sóc sức khỏe, lao động nội trợ, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tái sản xuất sức lao động – là những hoạt động nhằm bảo đảm cho những người người già, trẻ em, người đau ốm và tất cả các thành viên trong gia đình có được sức khỏe tốt. Thiếu sự chăm sóc và nuôi dưỡng, trẻ em sẽ không thể phát triển được các năng lực. Người cao tuổi sẽ không sống lâu, sống khỏe mạnh. Thiếu sự chăm sóc, bao hàm cả chăm sóc về thể chất lẫn tinh thần,  người lớn sẽ không đủ sức khỏe để học tập và lao động tốt. Nhiều nhà nghiên cứu và quản lý xã hội đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của chức năng tái sản xuất sức lao động, coi đây là một yếu tố rất thiết yếu đối với sự phát triển bền vững…

Như vậy, phụ nữ ngoài trách nhiệm xây dựng gia đình phát triển về mặt kinh tế, đảm bảo cuộc sống hàng ngày, họ còn có vai trò và trách nhiệm đặc biệt trong đảm bảo sự bền vững của gia đình. Kết quả từ nghiên cứu này cũng cho thấy, người vợ vẫn là người đảm nhiệm chính hầu hết các công việc nội trợ: đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, lau dọn nhà. Với những gia đình có con nhỏ thì người vợ cũng là người đảm nhiệm nhiều hơn chồng các công việc liên quan đến trẻ; thậm chí việc đưa đón con đi học, không đòi hỏi kiến thức hay kỹ năng gì cũng chỉ có rất ít người chồng chia sẻ. Riêng hoạt động chăm sóc người già, người ốm thì tỷ lệ vợ làm chính tương đương với tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng thực hiện bởi hoạt động này không chỉ là đơn thuần là trách nhiệm, mà hơn thế, nó là biểu hiện của sự hiếu thảo của con cháu với đấng sinh thành. Với việc gánh vác chính hầu hết các việc nội trợ, phụ nữ phải dành cho các công việc gia đình trung bình mỗi ngày 4,2 giờ, nhiều hơn chồng 2,2 giờ/ngày. Thêm vào đó, người phụ nữ thường phải “vận trù” để có thể cùng một lúc làm được nhiều việc như vừa đi chợ, nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, vừa trông con, kèm con học hoặc chăm sóc người già, người ốm… khiến họ luôn luôn thiếu thời gian và mệt mỏi.

Mặc dù thời gian tham gia lao động sản xuất, tỷ lệ đóng góp cho thu nhập gia đình được coi là bằng chứng chứng tỏ vai trò ngày càng lớn của phụ nữ trong việc thực hiện chức năng kinh tế của gia đình, thì việc phụ nữ đóng vai trò chính trong lao động gia đình vẫn được coi là biểu hiện rõ rệt nhất của bất bình đẳng giới trong gia đình. Bởi tổng thời gian lao động trong ngày của phụ nữ bao gồm cả lao động sản xuất và lao động không được trả công cho việc nhà cao gần gấp đôi nam giới. Tính riêng thời gian làm việc nhà, nếu 50,4% người vợ cho biết họ làm từ trên 2 tiếng đến 4 tiếng một ngày thì tỷ lệ này ở người chồng là 28,2%.

Tóm lại, phụ nữ nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Họ không chỉ góp phần quan trọng vào kinh tế gia đình dưới nhiều hình thức khác nhau mà còn đảm trách hầu hết công việc nhà và là người đảm nhiệm việc chăm sóc, nuôi dạy con. Quan trọng hơn, người mẹ còn là người giáo dục đường ăn nết ở, và truyền cho con những bài học đạo lý làm người, góp phần quan trọng vào hình thành nhân cách cho trẻ. Với nhiều đức tính: Tần tảo, chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng vì con; với tình thương bao la và sự kiên trì, người phụ nữ trở thành trung tâm liên kết các thành viên trong gia đình, là người thường xuyên gần gũi, chia sẻ, động viên. Họ đóng vai trò chính yếu trong việc thực hiện các chức năng của gia đình, đặc biệt là chức năng tâm lý tình cảm – chức năng đặc thù của gia đình mà không một thiết chế xã hội nào khác có thể thay thế.

3. Vai trò của phụ nữ trong xây dựng kinh tế gia đình

Theo quan niệm truyền thống, người chồng là “trụ cột” trong gia đình, chịu trách nhiệm chính trong việc tạo thu nhập cho gia đình. Người vợ chủ yếu lo thu vén nhà cửa, nuôi dạy con cái, làm việc nhà, chăm sóc sức khỏe, bữa ăn, giấc ngủ cho chồng con. Tục ngữ Việt Nam có câu: “đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp”. Ngày nay, quan niệm truyền thống đó đã có những thay đổi; vai trò của người phụ nữ không chỉ giới hạn ở việc bếp núc mà phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò là “trụ cột” thứ hai trong gia đình, cùng với nam giới chia sẻ trách nhiệm kinh tế, tổ chức tốt cuộc sống vật chất cho gia đình. Trong xã hội hiện đại, vai trò của người phụ nữ được đánh giá ngang bằng với nam giới, đó là: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

Vai trò “trụ cột” của người phụ nữ trong kinh tế gia đình thể hiện ở hai khía cạnh: trực tiếp lao động sản xuất tạo thu nhập và quản lý các nguồn lực của gia đình. Cụ thể:

Phụ nữ là người trực tiếp lao động sản xuất, tạo thu nhập

Những hoạt động tạo thu nhập mà phụ nữ tham gia để cùng chồng chia sẻ gánh nặng kinh tế gia đình rất đa dạng, phong phú, đó là: làm công ăn lương; trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh buôn bán, dịch vụ, sản xuất thủ công … Không chỉ lao động tại chỗ, hàng vạn phụ nữ nông thôn đã phải xa quê hương, xa chồng con, di cư tới những vùng kinh tế phát triển hơn, cả trong nước và ngoài nước, chịu đựng những khó khăn, thiếu thốn về vật chất và tinh thần để lao động kiếm sống nhằm cải thiện đời sống gia đình. Trước những diễn biến phức tạp nền kinh tế thị trường, của thời tiết, của dịch bệnh… phụ nữ vẫn tích cực và chủ động trong các hoạt động tạo thu nhập, đóng góp vào kinh tế gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo; nâng cao thu nhập cho gia đình, làm giàu chính đáng.

Quản lý các nguồn lực của gia đình

Ngoài việc trực tiếp tham gia lao động sản xuất tạo thu nhập, phụ nữ còn là người tổ chức, động viên, tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình tham gia hoạt động kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình và đảm nhiệm vai trò của người giữ “tay hòm chìa khóa” cho gia đình. Theo kết quả nghiên cứu của Học viện PNVN, gần một nửa số phụ nữ được hỏi (46,9%) khẳng định người vợ là người quản lý thu nhập trong gia đình và 40,7% cho rằng người vợ cùng với chồng quản lý thu nhập. Số liệu này cho thấy phụ nữ nhìn chung được tin cậy để tự mình hoặc cùng chồng quản lý thu nhập, cân đối thu chi, đảm bảo cho gia đình có một cuộc sống ổn định, tránh tình trạng “bóc ngắn, cắn dài” dẫn đến “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Kết quả khảo sát cũng cho thấy mặc dù mức độ đóng góp của phụ nữ vào thu nhập chung của cả gia đình là khác nhau nhưng họ vẫn giữ vai trò chủ yếu trong quản lý thu nhập của gia đình. Càng độc lập về mặt kinh tế, người phụ nữ càng có vai trò cao hơn trong việc quản lý thu nhập của gia đình, với tỷ lệ tăng dần từ 2,3% khi bị phụ thuộc hoàn toàn lên 10,6% khi phụ thuộc một phần và 32,8% khi không phụ thuộc.

Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang mà thu nhập khiêm tốn của người lao động chưa được cải thiện, công việc nội trợ trở nên khó khăn hơn bởi nó đòi hỏi người phụ nữ phải cân đối các khoản thu chi, tính toán một cách khoa học và cũng rất cần nghệ thuật bếp núc để luôn đảm bảo cơm dẻo canh ngọt, đủ dưỡng chất cho cả nhà, quần áo mới cho con đến trường…

Vai trò người sắp xếp, tổ chức cuộc sống vật chất trong gia đình

Ngày nay, mặc dù có nhiều phụ nữ tham gia vào các công việc của xã hội và thành công không kém nam giới, nhưng nhìn chung việc nội trợ, quản lý gia đình vẫn còn là mảng công việc chủ yếu do phụ nữ đảm trách. Là tay hòm chìa khóa, người phụ nữ phải lo sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình theo suy nghĩ, nhận thức và tính năng động của mình.

Là người tổ chức cuộc sống vật chất trong gia đình, trước hết người phụ nữ phải lo quản lý tốt các nguồn thu nhập thường xuyên và đột xuất của gia đình; lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch thu, chi, tiết kiệm các nguồn thu nhập đó; sử dụng các nguồn lực gia đình một cách triệt để; phân công lao động cho các thành viên một cách hợp lý, vừa phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo, vừa đảm bảo sức khỏe của các thành viên và đảm bảo bình đẳng giới trong phân công lao động; đồng thời biết điều phối các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của các thành viên trong gia đình.

4. Giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng kinh tế và văn hóa gia đình

Một là, thông qua việc lựa chọn xây dựng các mô hình phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ có điều kiện tiếp cận kiến thức pháp luật, kỹ năng bảo vệ mình, vươn lên làm kinh tế để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình. Các mô hình đóng vai trò chủ lực trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về phương pháp tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục truyền thống gia đình Việt Nam, cách đối nhân, xử thế, giao lưu, học hỏi, chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ pháp lý, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tham gia sinh hoạt, các thành viên ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình để chung tay tạo nên một tổ ấm hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn hóa, tiến bộ.

Hai là, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Vì vậy, nhận thức ý nghĩa sâu sắc tư tưởng của Người và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình, những năm qua, các cấp hội phụ nữ đã triển khai có hiệu quả nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới tại địa phương, chủ động đăng ký thực hiện “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng xóm làng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Bốn là, vận động, khuyến khích và hỗ trợ hội viên, phụ nữ nỗ lực học tập áp dụngkhoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động, tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp; tham gia các hình thức liên kết, đầu tư, hợp tác trong sản suất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Kêu gọi chị em sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường.

Năm là, các hội cần quan tâm phối hợp với các ngành, các trường đại học, các trung tâm dạy nghề ở địa phương cũng như trong cả nước để hướng nghiệp, dạy nghề về nông nghiệp, nông thôn, khuyến nông cho phụ nữ; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dạy nghề, kết hợp với các chương trình xóa đói giảm nghèo để giải quyết việc làm cho phụ nữ.

Sáu là, cùng Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội đối với các chính sách, chương trình, dự án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là những vấn đề có liên quan đến phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới và chất lượng sống của người dân để phản ánh với Đảng, chính quyền giải quyết kịp thời.

Bảy là, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm, vị trí của gia đình đối với sự phát triển của xã hội, trách nhiệm của các thành viên trong việc tạo dựng môi trường nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp với ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội triển khai đến các tầng lớp nhân dân và hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện chuẩn mực xây dựng gia đình văn hóa.

Tám là, bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền, cần tập trung rà soát các đối tượng nghèo, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, thiếu việc làm, là nạn nhân của bạo lực gia đình để có phương án hỗ trợ. Phối hợp với chính quyền, địa phương vận động nhân dân giải quyết mâu thuẫn bằng phương pháp hòa giải.

Chín là, trên cơ sở các chính sách hiện có, cần nghiên cứu để có các chính sách đặc thù với phụ nữ và trẻ em gái để đạt tới bình đẳng giới thực chất chứ không phải hình thức. Thay đổi phân công lao động theo giới để nam giới quan tâm làm việc nhà nhiều hơn, qua đó tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia công việc xã hội nhiều hơn, tạo cơ hội và khuyến khích phụ nữ học tập, đảm bảo phát triển bình đẳng cho cả nam và nữ.

Mười là, đối với phụ nữ làm việc trong lĩnh vực chính trị, khoa học, nghệ thuật, hành chính thì không nên áp dụng chế độ về hưu trước nam giới khi họ vẫn đảm bảo sức khỏe, tài năng, trí tuệ. Những trường hợp nào muốn nghỉ hưu sớm thì để cho phụ nữ được quyền chủ động lựa chọn.

Mười một, phụ nữ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng để thích nghi kịp thời với những thay đổi, biết nắm giữ những cơ hội làm chủ cuộc sống:  phương pháp tư duy, khả năng tập trung hay tiếp cận theo tổng thể, đặc biệt là hiểu biết sâu hơn và làm chủ khoa học công nghệ; cần nắm bắt cơ hội, thử nghiệm, đổi mới, sáng tạo và thành công trong thời đại công nghệ số. Phụ nữ cần phát huy những lợi thế của mình với tinh thần cầu tiến, khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi và kiên trì, suy nghĩ đột phá và mềm mại trong ứng xử. Đây sẽ là điều kiện tốt để họ phát triển bản thân trong môi trường thuận lợi.

Mười hai, Nhà nước cần xem xét, ban hành các văn bản hướng dẫn về bình đẳng giới bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện. Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này cần phân tích kỹ và đa chiều về các phương án chính sách, dự thảo quy định pháp luật hoặc dự kiến hoạt động trong mối tương quan với những tác động, ảnh hưởng từ sự khác biệt về giới tính và những bất lợi về giới trên thực tế của phụ nữ trước khi quyết định ban hành để giảm nguy cơ tạo khoảng cách giới.

Mười ba, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và chính sách đã và đang gây bất lợi đối với phụ nữ trong các lĩnh vực; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, tăng các chính sách bù đắp dành riêng cho phụ nữ theo từng nhóm. Cụ thể, đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức cần có các chính sách, quy định pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại, quy hoạch, bổ nhiệm, các vấn đề an sinh xã hội hỗ trợ hài hòa công việc xã hội, gia đình và tuổi lao động.

Mười bốn, tăng cường nâng cao hiệu quả việc tổ chức thi hành pháp luật nhằm bảo đảm các quy định của pháp luật về bình đẳng giới được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn. Quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật./.

 

Tài liệu tham khảo

  1. https://hlhpn.bacgiang.gov.vn/ban-can-biet/vai-tro-cua-phu-nu-trong-xay-dung-gia-dinh-hanh-phuc.htm,  (truy cập ngày 10/05/2022).
  2. http://baothanhhoa.vn/thoi-su/phat-huy-vai-tro-cua-phu-nu-trong-xay-dung-gia-dinh-hanh-phuc/107222.htm (truy cập ngày 10/05/2022).
  3. https://danang.gov.vn/fi/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=8412&_c=3,33 (truy cập ngày 10/05/2022).
  4. http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=20040 (truy cập ngày 10/05/2022).
  5. http://hoilhpn.org.vn/images_upload/files_683.pdf (truy cập ngày 10/05/2022).
  6. http://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-huy-vai-tro-cua-hoi-phu-nu-trong-xay-dung-mo-hinh-kinh-te-tap-the-524681.html (truy cập ngày 10/05/2022).
  7. https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/vai-tro-cua-phu-nu-trong-xay-dung-gia-dinh-no-am-tien-bo-hanh-phuc.htm. (truy cập ngày 10/05/2022).
  8. http://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/phong-trao-phu-nu-va-mot-so-kinh-nghiem-tu-cong-tac-lanh-dao-cua-bo-tinh-thanh-hoa-125903 (truy cập ngày 10/05/2022).
  9. https://tcnn.vn/news/detail/42661/Nhung-thach-thuc-co-hoi-va-giai-phap-nang-cao-vi-the-vai-tro-cua-phu-nu-Viet-Nam-khi-buoc-vao-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu.html (truy cập ngày 10/05/2022).
  10. http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Phat-huy-vai-tro-tiem-nang-to-lon-cua-phu-nu-Viet-Nam/236078.vgp (truy cập ngày 10/05/2022).
Tin liên quan